Vốn rất tỉ mỉ về các số liệu và với hàng trăm triệu người dân
sống khắp nơi trong đế chế, Mông Cổ tìm kiếm các phương pháp
đơn giản hơn, cách tắt và cách tính các con số ngày càng lớn và xử
lý chúng trong các chuỗi ngày càng phức tạp. Khối lượng tính toán
lớn đòi hỏi cách lưu trữ thông tin mới bằng việc lập các biểu đồ
phức tạp và phối hợp hệ thống số dùng ở các nước khác nhau.
Chính quyền Mông Cổ nhận thấy cả toán học châu Âu và Trung Hoa
đều quá đơn giản và không thực tiễn, nhưng họ thu nhận nhiều cải
tiến hữu ích từ toán học Ả-rập và Ấn Độ. Các thành phố của đế quốc
Khwarizm từng là một trung tâm toán học đặc biệt quan trọng; từ
tiếng Anh algorithm (thuật toán) bắt nguồn từ al Khwarizm. Mông Cổ
đem kiến thức của các cải tiến này tới khắp nơi trong đế quốc. Họ
nhanh chóng nhận thấy những bất lợi của việc dùng cột số hay xếp
số theo cách của số Ả-rập, và đưa vào sử dụng số không, số âm và
đại số ở Trung Hoa.
Không chỉ số và lịch, mà ở nhiều cấp độ, khác với trước đây, bản
thân đời sống ở các vùng khác nhau trong đế quốc cũng cần phải
được phối hợp. Tầm quan trọng của việc viết sử không cho phép
mỗi nền văn minh tự giải quyết theo cách riêng và theo truyền thống
văn học của họ. Để kiểm soát cách dân chúng nhìn nhận họ, Mông
Cổ phải đảm bảo tiêu chuẩn viết sử mỗi vùng ăn nhập với sử Mông
Cổ. Lịch sử không chỉ là một cách ghi lại thông tin; nó là công cụ
chính thống hóa tầng lớp thống trị và lan truyền tin tức về các cuộc
chinh phục và thành tựu vĩ đại. Với người Mông Cổ, lịch sử cũng là
công cụ quan trọng để học về các nước khác và cai trị chúng hiệu