mọi nơi, chỗ này vừa dẹp tan thì chỗ kia lại xuất hiện, chỉ trong vòng một
tháng mà đã thấy đến hai, ba lần ở hai ba nơi khiến gần như không còn một
chỗ nào là yên tĩnh nữa. Mấy ông quan to trong triều cũng như các ông
quan ở địa phương lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, bóp óc nặn gan ra để tìm
cách cứu vớt tình hình xem ra đã đến lúc quá nát rồi. Bọn đại thần như
Trương Chi Động lúc này đều cùng một chủ trương là phải lập hiến để
thuận lòng dân. Họ cho rằng một khi lòng dân đã yên, thì cách mạng tự
nhiên phải hết. Tây thái hậu nghe chủ trương này cũng rất tán thành.
Do đó, bà liền sai bọn Tải Trạch đi ra hải ngoại, và các nước tiền tiến văn
minh, khảo sát hiến chính.
Bọn Tải Trạch lĩnh chỉ ý, đang sửa soạn lên đường, không ngờ bị Ngô Viện
ném cho một tạc đạn ngay phía ngoài cửa Chính Dương. Trong số năm anh
đại thần xuất dương, thì hai anh không may trúng phải mảnh tạc đạn bị
thương nặng. Vụ ném tạc đạn này càng làm cho Thanh triều hoảng kinh và
phải quyết tâm cao hơn nữa để tổ chức hiến chính. Bởi thế, Thanh triều lại
định một ngày khác để cho phái đoàn khảo sát lên đường.
Hồi này, Khánh thân vương Dịch Khuông nắm trọn đại quyền trong tay.
Bởi vậy, đồng bọn của vương như Kỳ Thiện Tải, Thiết Lương, ấm
Xương… đều nhờ đó nắm quyền lớn cả.
Dịch Khuông vốn là một người hết sức tham lam. Nhất thiết chính sự, đều
kệ bọn tiểu nhân mặc sức thao túng và vẽ vời, riêng ông chỉ biết ngồi để
lượm bạc cắc do bọn này đem tới hiếu kính.
Tây thái hậu, từ sau khi hồi loan, mọi việc chính sự đều không tha thiết tới,
nhưng chuyện tiền tài thì một mảy may cũng không tha, cho nên, trước khi
có loạn quyền phỉ, bà đã để riêng được hơn một ngàn năm trăm vạn lượng
vàng nén.