Nói đoạn, bà Đại phúc tấn sửa lại dây đàn chút xíu, cho hợp với giọng ca,
rồi bắt đầu bản nhạc. Mười ngón tay trắng như ngọc của bà thoăn thoắt
chạy trên làn phím đường tơ, làm nảy bật lên những tiếng đàn vừa mau vừa
mạnh, sát phạt như kiểu đao thương chạm nhau ngoài trận địa, những tiếng
chiêng tiếng trống hãi hùng giữa ba quân. Nếu tinh ý, người nghe như nghe,
như nhìn thấy một cuộc chém giết tơi bời trên chiến trường, chứ không còn
là những âm thanh du dương, lâm ly, ảo não như mấy bản đờn trước nữa.
Bà Đại phúc tấn đàn xong, liếc nhìn Các, nhoẻn miệng cười, tỏ vẻ kiêu
hãnh phần nào về tài nghệ của mình.
Nhưng khổ cái là tên kép Các quả tình dốt nhạc thật, hắn lại đành dùng
chiến thuật khen bừa đi để nịnh người đẹp.
Hắn khen được vài câu, bỗng nhớ ra rằng khi hắn lên sân khấu, thường
nghe tiếng thanh la, tiếng chiêng, tiếng trống chung quanh, mà người ta
thường bảo tình cảnh thật giống lúc Thập diện mai phục và hắn không ngờ
rằng ngay ở trong bản đàn mà cũng có cái điệu này. Hắn nghĩ vậy, càng
thêm ngạc nhiên cho đàn là một vật lạ, bèn cất tiếng ngây thơ hỏi bà Đại
phúc tấn:
- Cái đàn này mà cũng gảy thành Thập diện mai phục được sao?
Bà Đại phúc tấn thấy hỏi, cười lên khanh khách, càng tỏ vẻ đắc chí, bảo
Các:
- Có chứ! Chỉ phải cái khó đàn được mà thôi. Ngón này, ta còn chưa luyện
được tinh thục lắm.
Sở dĩ bà Đại phúc tấn có lời lẽ khiêm nhường này là vì bà nghe Các hỏi câu
trên, xem hắn như người sành điệu, sợ mình trở thành người dám múa rìu
qua mắt thợ, làm trò cười cho thiên hạ. Thực ra bà đã lầm. Hắn chỉ có nghề