Tiên sinh lắc đầu:
- Thầy mày chẳng lạy mà lại dám bảo nói cho mày nghe hở? Đâu có dễ thế
chú bé.
Nghiêu nghe đoạn dựng ngược đôi mày, giơ thẳng cánh tay đập cái rầm
xuống mặt bàn, quát.
- Lạy! Lạy cái con khỉ ấy à! Đừng hòng!
Quát xong, Nghiêu khoát tay làm bộ, huênh hoang bước ra khỏi phòng.
Tiên sinh mặc kệ, chẳng thèm gọi lại.
Lại hơn mười ngày sau, Nghiêu quả đã chịu hết nổi, bèn chạy vào thư
phòng, quỳ xuống đất lạy thầy và nói:
- Xin thầy dạy cho con với.
Tiên sinh nâng Nghiêu dậy, bảo ngồi xuống. Bộ sách đầu tiên mà ông dạy
cho Nghiêu là bộ Thuỷ Hử. Ông đem những chuyện trong Thuỷ Hử ra kể.
Nghiêu nghe khoái bằng chết, thôi thì khoa chân múa tay, lắm lúc như điên
như dại. Tiên sinh giảng tiếp Tam Quốc Chí, rồi Tống Nhạc Phi, rồi những
chuyện anh hùng, hiệp khách ly kỳ khác. Sau nữa, ông giảng tới binh thư,
sử ký kinh điển, rồi các loại sách về khoa học.
Những lúc rỗi rảnh, ông lại dạy cách dương cung bắn tên hạ cờ, dần dần về
sau dạy đủ mười tám ban võ nghệ, không một ban nào là không đến độ tinh
vi. Ông còn dạy cả cách ra quân bày trận, phép chạy trên tường, bay trên
mái nhà. Thế rồi, sau tám năm công phu đằng đẵng, ông dạy Nghiêu thành
một người văn võ toàn tài. Đến lúc đó ông mới bảo Nghiêu phá tường mà
ra.
Miên Canh Nghiêu trở về nhà, bái kiến phụ thân. Ông Miên Hà Linh sau
tám năm không gặp, nay thấy con trở về với toàn tài văn võ, bản lãnh phi
thường thì làm sao chẳng mừng. Ông vội tới lạy tà tiên sinh nọ. Tiên sinh
chỉ chào rồi cáo từ ra đi mặc cho cha con họ Miên khẩn khoản lưu lại. Tiên
sinh nọ chỉ dặn đi dặn lại Nghiêu có một câu "cấp lưu dũng thoái" (nghĩa là
đi thì cho nhanh mà về thì cũng cho lẹ).
Đến lúc này, đại tướng quân Miên Canh Nghiêu phú quý đã tột bực. Mỗi
lúc nhớ tới vị thầy xưa, Nghiêu lại thấy kính trọng vô bờ. Cũng bởi lẽ đó
nên Nghiêu hết sức kính trọng Vương tiên sinh hiện dạy học cho con mình.