để ý đến ông già lú lẫn Oman. Hãy nhìn người bạn của cậu kìa… Sprott
đó.”
Trán Paul ướt đẫm mồ hôi khi chàng nhìn thân hình đồ sộ của viên biện
lý trong bộ lễ phục đen và đầu tóc giả. Trong ánh sáng mờ mờ của phòng
xử, đôi mắt nhẵn nhụi và chiếc cằm bạnh ra càng làm tăng thêm những nét
đanh của khuôn mặt. Môi ông ta mím chặt, đôi mắt soi mói từ từ lướt qua
khắp phòng, như đôi mắt của một kịch sĩ đang tìm người mến mộ sau một
lúc im lặng có tính toán, ông ta mới ngỏ lời với bồi thẩm đoàn để sau cùng
tóm lược vụ án.
Những sự kiện thật đơn giản nhưng cũng thật ghê gớm. Bị cáo là một
người đàn bà chuyên đón khách ngoài đường, một gái điếm hạ cấp, hành
nghề từ năm mười bảy tuổi - bây giờ cô ta hai mươi bốn - trong một khu
phố nghèo. Dĩ nhiên, cô ta có một “kẻ đàn ông che chở”, một kẻ thường
đón cô ta ở góc đường, sống trên những đồng tiền ít ỏi không sạch sẽ do cô
kiếm được, nói trắng ra là một kẻ lợi dụng cô, ngoài ra còn đánh đập cô tàn
nhẫn nữa. Một tối kia, chẳng ai khiêu khích cả, trong một cơn buồn chán và
hối hận, cô ta uống rượu say và đâm chết hắn bằng con dao nhà bếp, rồi
toan kết liễu luôn đời mình.
Một câu chuyện đơn giản như vậy chắc không cần phải tốn công bình
phẩm nhiều. Vậy mà Sprott cố tình thêu dệt dài dòng, làm nổi bật những
khía cạnh xấu xa của nó để thuyết phục bồi thẩm đoàn bác bỏ không cho bị
cáo được hưởng một trường hợp giảm khinh nào. Nếu bị cáo đã cố ý hạ sát
“kẻ che chở” mình, thì cô ta đã phạm tội sát nhân không thể nào chối cãi
được. Paul có cảm giác viên biện lý đã sử dụng tiểu xảo của kịch nghệ,
nhằm đạt được cái mà ông ta xem như quyền lợi của chính ông. Ông khao
khát được chà đạp, được kết tội. Sau cùng, Sprott kết thúc bài diễn văn bằng
một cử chỉ đầy kích động, cử chỉ của kẻ sát nhân cầm dao đâm thẳng vào
tim nạn nhân. Xong ông ta ngồi xuống giữa cảnh chết lặng của phòng xử.
Castles thì thầm với Paul: “Nhìn kỹ hắn đi! Theo cách đó mà hắn đã
chộp được Mathry đấy!”