cao và thon, gương mặt đều đặn với đôi mắt khắc khổ, Grahame lúc nào
cũng như lúc nào, luôn luôn giữ một vẻ mực thước, lịch sự và kín đáo.
Nhưng dưới vẻ trầm tĩnh này tiềm ẩn một tư cách liêm khiết tuyệt đối, vốn
là lý do sâu xa đã làm cho ông nổi tiếng. Grahame ngay thật một cách
cuồng nhiệt. Người ta đồn rằng ông chỉ chấp nhận biện hộ khi nào ông biết
rõ bị cáo là người mắc hàm oan.
Sprott từng chế nhạo ông về điểm này. Thật là ngu xuẩn! Thế giới sẽ ra
sao nếu người nào cũng là một ông thánh nhỏ. Nhưng dầu sao, đối với viên
biện lý. Grahame cũng vẫn còn là một vấn đề, một con người bí mật, khó
hiểu. Sprott nhớ lại vào một buổi tối, trong một dịp tiếp tân do vợ tổ chức ở
Grove Quadrant, Sprott ý muốn khoe của và biết Grahame thích nghệ thuật,
đã dẫn Grahame đến trước những bức tranh của Constable. Grahame tỏ ra
rất lịch sự, nhưng lại thản nhiên trước các của cải quí giá đó, coi như chỉ là
những bức tranh giả, không đáng chú ý và cũng không có gì giá trị.
“Thế nào cậu?” Sprott kêu lên, mất kiên nhẫn trước thái độ bình thản
của Grahame: “Là một kẻ sành điệu, cậu không thấy ghen với tôi sao?”
“Tại sao tôi lại phải làm thế?” Grahame mỉm cười đáp: “Trong khi tôi
có thể ngắm những bức tranh tệ nhất cũng đẹp như vậy, ở phòng triển lãm
nghệ thuật của thành phố?”
“Nhưng quái cái ông bạn thân mến này, bức tranh ở viện bảo tàng
không phải là của bạn.”
“Những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất chẳng phải là gia tài chung của
mọi người hay sao?” Grahame vẫn mỉm cười đáp lại bằng một giọng thật
ngọt ngào.
Sprott nhớ lại một cách bực bội câu trả lời này của Grahame. Khi những
người đánh bài rời khỏi bàn, có một động lực tồi bại nào đó thúc đẩy ông ta
đưa ra một cử chỉ mời Grahame đến bàn mình.
Sau một chút do dự kín đáo, Grahame băng ngang qua phòng khách.