“À,” Kolya nói, lúc này anh ta vừa nhăn răng cười vừa đội cái mũ lông
Astrakhan. “Việc đó thì dễ thôi. Nó nằm trên tuyến đường sắt Moscow.
Chúng ta chỉ việc đi theo đường ray.”
Timofei làu bàu trong giấc mơ và trở nghiêng người. Ta đã biết được
rằng bác sĩ và những người lính có thể ngủ qua bất kỳ khung cảnh ồn ào -
không cháy nhà chết người nào; cuộc cãi vã của ta với Kolya có khi còn là
lời ru dịu dàng ấy chứ, nếu căn cứ vào cái vẻ khoan khoái yên bình trên mặt
Timofei. Ta nhìn và thấy căm ghét anh ta, căm ghét anh ta vì vẫn ngủ ngon
lành trên cái giường bằng những tấm chăn len của mình, ấm áp êm ái và no
nê, không bị thằng ranh con Cossack nào quấy rầy, không bị tay đại tá
NKVD nào phái anh ta ra chốn đồng không mông quạnh để tìm nguyên liệu
cho một cái bánh cưới.
Ta quay lại với Kolya, kẻ đang chỉnh lại cái mũ của mình theo một góc
nghiêng đầy chất kiêu hùng với sự trợ giúp của chiếc gương. Ta thậm chí
còn căm ghét anh ta hơn, tên khốn kiếp vênh váo lúc nào cũng hơn hớn
này, hạnh phúc và tươi tỉnh lúc sáu giờ sáng cứ như thể anh ta vừa trở về
sau một kỳ nghỉ hai tuần ở Biển Đen vậy. Ta tưởng tượng rằng người anh ta
vẫn còn nồng nặc mùi ân ái, trong khi sự thật là chẳng ngửi thấy bất kỳ mùi
gì giữa lúc tinh mơ, với cái rét nhường ấy trong căn hộ. Cái mũi hoành
tráng của ta chỉ được mẽ ngoài, một cái đích lý tưởng cho lũ mất dạy cười
nhạo nhưng lại kém cỏi lạ lùng trong việc đánh hơi.
“Cậu nghĩ đó là việc điên rồ,” anh ta nói, “nhưng tất cả những gã nông
dân ma giáo bán khoai tây với giá hai trăm rúp ngoài Chợ Giời đều mang
chúng từ ngoài thành phố vào. Ngày nào người ta chẳng vượt qua được
phòng tuyến. Tại sao chúng ta lại không thể?”
“Anh say à?”
“Vì một phần tư chai vodka ấy à? Tôi không nghĩ thế."
“Chắc hẳn phải có chỗ nào đó gần hơn Mga.”
“Vậy cho tôi biết đi.”