đứng co quắp trên cầu thang khi bạo lực xảy đến. Có thể một ngày nào đó
chân tay ta sẽ đầy đặn cơ bắp hơn và nỗi sợ hãi sẽ rút dần đi như nước tắm
bắn trong bồn. Ta ước mình có thể tin là những điều đó sẽ xảy ra, nhưng
thâm tâm ta không hề tin. Ta bị lời nguyền phải chịu tính bi quan của cả
dân Nga và dân Do Thái, hai tộc người u tối nhất trên đời. Dù vậy, nếu
không có chút vĩ đại nào trong ta thì có lẽ ta lại có tài nhận ra sự vĩ đại đó ở
người khác, cho dù là ở những người khó chịu nhất đi nữa.
Ta đứng dậy, chộp lấy áo khoác dưới sàn lên, luồn vào người, và theo
Kolya ra cửa trước đang được anh ta giữ mở cho ta với vẻ lịch thiệp trang
trọng.
“Chờ đã,” anh ta nói, trước khi ta kịp bước qua ngưỡng cửa. “Chúng ta
sắp bắt đầu một hành trình. Chúng ta nên ngồi đã.”
“Tôi không biết là anh lại mê tín đấy.”
“Tôi thích truyền thống.”
Không có ghế nên bọn ta ngồi xuống sàn nhà cạnh cánh cửa để mở. Căn
hộ thật yên tĩnh. Timofei đang nằm ngáy gần bếp lò; những cánh cửa sổ run
bần bật trong khung; đài radio phát cái tiếng máy đánh nhịp bất tận của
mình, báo hiệu rằng Leningrad vẫn chưa khuất phục.
Bên ngoài ai đó đóng đinh áp phích vào các cửa sổ đã bịt kín bằng những
nhát búa dứt khoát, hiệu quả. Tuy nhiên, thay vì hình dung ra một người
đang đóng áp phích, ta lại hình dung ra một thợ đóng quan tài đang làm
việc, làm một cái hòm từ những tấm ván gỗ thông. Hình ảnh đó thật rõ rét
và chi tiết: ta nhìn thấy cả những vết chai trên tay người thợ đóng quan tài,
những lọn tóc đen lòa xòa giữa cặp lông mày chổi xể của ông ta, mạt cưa
trên cẳng tay đẫm mồ hôi.
Ta hít một hơi sâu và nhìn Kolya. Anh ta đang nhìn thẳng vào ta.
“Đừng lo, anh bạn. Tôi sẽ không để cậu chết đâu.”
Ta mười bảy tuổi còn ngốc lắm và ta tin anh ta.