áp phích và dán lên những bức tường thành phố. Ta tin tưởng vào sự
nghiệp; ta sẽ không chạy trốn quân thù; ta sẽ không bỏ lỡ chiến thắng.
Sáng hôm sau mẹ ta với Taisya lên đường. Họ đi xe buýt một chặng
đường, vẫy đi nhờ xe nhà binh từng chặng, và đi bộ không biết bao nhiêu
dặm đường nông thôn trong những đôi ủng đã bong đế. Họ mất ba tuần mới
đến nơi, nhưng họ đã làm được, cuối cùng cũng an toàn. Bà gửi cho ta một
bức thư kể lại hành trình, nỗi kinh hoàng và mệt mỏi. Có lẽ bà muốn ta thấy
có lỗi vì đã bỏ rơi họ, và ta đã thấy thế thật, nhưng ta cũng biết họ đi khỏi
thì tốt hơn. Trận chiến lớn sắp diễn ra và họ không thuộc về nơi mặt trận.
Ngày 7 tháng Mười quân Đức chiếm Vyazma và những bức thư của bà
không đến nữa.
Ta muốn nói là ta nhớ họ khi họ đi rồi, có nhiều đêm ta thấy cô đơn, và
luôn nhớ các món ăn của mẹ, nhưng ngay từ khi còn bé ta đã luôn hình
dung ra cảnh chỉ có một mình. Những truyện dân gian ta yêu thích kể về
những đứa trẻ mồ côi tháo vát tự tìm được đường qua khu rừng tăm tối,
sống sót qua mọi hiểm nguy bằng cách giải quyết vấn đề thông minh, mưu
trí hơn kẻ thù, tìm thấy vận may ngay giữa hành trình lưu lạc. Ta không nói
là ta hạnh phúc tất cả bọn ta đều đói đến không còn biết hạnh phúc là gì
nhưng lúc đó ta tin rằng cuối cùng thì đây chính là Ý nghĩa. Nếu Leningrad
thất thủ, nước Nga sẽ sụp đổ; nếu nước Nga sụp đổ, chủ nghĩa phát xít sẽ
thống trị thế giới. Tất cả bọn ta đều tin như thế. Đến giờ ta vẫn tin.
Ta còn quá trẻ chưa thể nhập ngũ nhưng đã đủ lớn để đào hào chống tăng
vào ban ngày và gác sân thượng vào ban đêm. Thành phần trong đội của ta
là đám bạn cùng tầng năm - Vera Osipovna, một nghệ sĩ cello tài năng, và
anh em sinh đôi tóc đỏ nhà Antokolsky, bọn chỉ có năng khiếu duy nhất thể
hiện ra ngoài là khả năng đánh rắm rất đều. Trong những ngày đầu của
cuộc chiến bọn ta hút thuốc lá trên sân thượng, làm dáng như người lính,
can trường mạnh mẽ và cầm vuông vức, dõi mắt khắp bầu trời tìm quân
thù. Nhưng đến cuối tháng Mười hai thì ở Leningrad chẳng còn điếu thuốc
nào nữa, ít nhất cũng không có điếu nào quấn bằng thuốc lá sợi. Mấy mống
vã quá bèn nghiền lá khô ra, vấn trong giấy, và gọi đó là Ánh sáng Mùa thu,