Trong mấy giây anh ta giúp ta quên đi được nỗi sợ hãi, nhưng nó không
lúc nào bỏ đi lâu. Ta không nhớ nổi là có lúc nào ta không sợ, nhưng đêm
ấy nó xuất hiện mạnh mẽ hơn cả từ trước đến giờ. Quá nhiều viễn cảnh làm
ta kinh hoàng. Nào là viễn cảnh nhục nhã, lại co rúm ró đúng lúc cần phải
hành động trong khi Kolya chiến đấu với bọn Đức - chỉ có điều lần này, ta
biết anh ta sẽ chết. Nào là viễn cảnh đau đớn, chịu đựng qua kiểu tra tấn mà
Zoya đã phải chịu đựng, những răng cưa nghiến qua da, qua cơ bắp và
xương ta. Rồi còn cả viễn cảnh tuyệt vời là cái chết nữa chứ. Ta không bao
giờ hiểu nổi những người nói rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là nói trước
đám đông, hoặc nhện, hay bất kỳ nỗi sợ hãi vặt vãnh nào khác. Làm sao
cháu có thể sợ bất kỳ điều gì hon cái chết cơ chứ? Tất cả mọi thứ khác đều
còn có đường thoát: một người bị liệt vẫn có thể đọc Dickens ; một người
khổ sở vì bị mất trí vẫn có thể có những khoảnh khắc đẹp đến lạ lùng.
Ta nghe tiếng lò xo giường kẻo kẹt và ngước lên nhìn thấy Kolya đang
cúi xuống qua mép đệm giường trên, khuôn mặt lộn ngược của anh ta nhòm
xuống ta, mái tóc vàng của anh ta lòa xòa rủ xuống từng lọn bẩn thỉu. Nhìn
như thể anh ta đang lo lắng về ta, và bỗng nhiên ta cảm thấy chỉ muốn òa
khóc. Người duy nhất còn lại biết ta đang sợ hãi đến nhường nào, người
duy nhất biết ta vẫn còn sống và ta có thể chết đêm nay, là một tên đào ngũ
ba hoa ta mới gặp ba đêm trước, một kẻ xa la, một đứa con Cossack, người
bạn cuối cùng của ta.
“Cái này sẽ làm cậu phấn chấn lên,” anh ta vừa nói vừa thả một bộ bài
vào lòng ta.
Nhìn chúng cũng giống như những quân bài chơi bình thường cho đến
khi ta lật chúng lên. Mỗi quân là ảnh chụp một phụ nữ khác nhau, một số
khỏa thân, một số thì mặc váy nịt vớ ren và corset đăng ten, những bộ ngực
phì nhiêu của họ thồn thộn trên những bàn tay khum lại, cặp môi hơi hé mở
trước ống kính.
“Tôi tưởng tôi phải thắng cờ anh mới có được cái này.”
“Nhẹ nhàng với cái đó nào, nhẹ nhàng thôi. Đừng có làm quăn góc. Mãi
tận bên Marseille mang về đấy.”