“Trứng à?“ bà lão hỏi, nghiêng người lại để nghe cho rõ. ”Từ tháng Chín
đến giờ làm gì có.”
“Bọn cháu cần một tá,” Kolya nói. “Bọn cháu có thể trả giá cao."
“Các cậu có trả một triệu rúp,” bà lão nói, “cũng Chẳng có quả trứng nào
đâu. Ở Piter thì không.”
“Vậy ở đâu?”
Bà lão nhún vai, những nếp nhăn chằng chịt trên mặt bà sâu đến nỗi nhìn
như được chạm khắc. "Tôi có thịt. Các cậu muốn mua thịt thì ba trăm hai
miếng. Không có trứng.”
Bọn ta đi từ quầy này sang quầy khác, hỏi tất cả mọi người xem họ có
trứng không, nhưng không một ai ở Chợ Giời nhìn thấy quả nào từ tháng
Chín đến giờ. Một vài người đưa ra giả thiết về các nơi có thể tìm thấy
trứng: các sĩ quan cấp cao của quân đội có trứng được chở tới bằng máy
bay từ Moscow; nông dân ở ngoài thành phố cung cấp trứng cho bọn Đức,
cùng với bơ và sữa tươi, để đổi lấy mạng sống; một ông già sống ở gần
Khải hoàn môn Narva nuôi gà trong một cái lồng trên sân thượng. Tin đồn
cuối cùng này nghe rõ ràng là vô lý, nhưng thằng nhóc kể với chúng tôi quả
quyết là đúng.
“Anh giết một con gà, có thể sẽ ăn được cả tuần. Nhưng nếu anh giữ nó
sống, ừm, mỗi ngày một quả trứng, cùng với khẩu phần được cấp, anh sẽ
qua được đến tận mùa hè.”
“Cậu sẽ phải cho gà ăn nữa chứ," Kolya nói. “Ai mà có thức ăn cho gà
bây giờ?"
Thằng nhóc, mái tóc đen xoăn của nó xòe ra bên dưới cái mũ lưỡi trai
Hải quân Đế quốc Nga cũ, lắc đầu như thể đó là một câu hỏi ngớ ngẩn.
“Gà thì cái gì nó chả ăn. Một thìa mùn cưa, chúng chỉ cần có thế.”
Thằng nhóc bán thứ mà mọi người gọi là kẹo thư viện, được làm bằng
cách xé bỏ những bìa sách, lột lớp hồ dán gáy ra đem luộc kỹ, và biến nó
thành những cái thanh mà ta có thể gói vào giấy. Thứ đó có vị như sáp vậy,