“Họ đâu có thuộc về các phe khác nhau. Mahler viết những tác phẩm âm
nhạc vĩ đại. Shostakovich viết những tác phẩm âm nhạc vĩ đại...”
“Vĩ đại? Ha ha. Tay đó là một thằng bồi bút và đạo nhạc.”
“Anh thật là đồ ngốc. Anh chẳng biết gì về âm nhạc cả.”
"Tôi biết là Shostakovich đã lên đài hồi tháng Chín và nói về nghĩa vụ ái
quốc vĩ đại của chúng ta chống lại chủ nghĩa phát xít, và ba tuần sau ông ta
đã húp cháo ở Kuybishev.”
“Đó đâu phải là lỗi của ông ấy. Họ không muốn ông ấy chết và họ bắt
ông ấy phải ra đi. Cứ thử nghĩ sẽ tồi tệ như thế nào cho tinh thần của…"
“Ồ, tất nhiên nhỉ, cứ thử nghĩ đến thảm kịch đó xem,” Kolya nói, chuyển
sang cái giọng giáo sư mà anh ta dùng khi cần châm biếm cay độc. “Chúng
ta không thể để những người vĩ đại phải chết. Tôi mà có quyền thì tôi sẽ
làm ngược lại ngay. Cứ đưa những người nổi tiếng ra tiền tuyến.
Shostakovich bị ăn một viên đạn vào đầu ấy à? Cứ thử nghĩ đến cơn căm
giận trên khắp cả nước mà xem! Trên khắp thế giới! NHÀ SOẠN NHẠC
NỔI TIẾNG BỊ BỌN QUỐC XÃ SÁT HẠI. Anna Akhamatova, bà ta cũng
lên đài nữa. Cậu nhớ chứ? Khuyên bảo tất cả chị em phụ nữ của Leningrad
hãy kiên cường, hãy học cách bắn súng trường. Giờ thì bà ta đang ở đầu
nào? Bắn bọn Đức ư? Hừm, không, tôi không tin. Ở Tổ hợp, mài vỏ đạn
pháo à? Không, bà ta đang ở Tashkent, sòn sòn bơm ra tiếp những vần thơ
ái kỷ đã làm nên tên tuổi bà ta.”
“Mẹ và em gái tôi cũng đi sơ tán đấy thôi. Điều đó đâu có biến họ thành
những kẻ phản bội.”
“Mẹ và em gái cậu không hề lên đài khuyên bảo tất cả bọn ta hãy kiên
cường. Nghe này, tôi không trông đợi các nhà soạn nhạc và các nhà thơ
phải là những anh hùng. Tôi chỉ không ưa bọn đạo đức giả."
Anh ta quẹt mũi bằng mu bàn tay đi găng và liếc nhìn lại về phía Nam,
nơi những quả đạn pháo nổ thắp sáng bầu trời. “Mà cái tòa nhà khốn nạn
của cậu ở đâu vậy hả?”