Bởi vậy, Thượng Đế phong làm Sơn Quân và gọi là đại nhân (20).
Ngày thụ phong, hổ phủ phục kêu rằng:
- Có vua, há lẽ không có bầy tôi?
Thượng Đế ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi gọi thần gió (21)đến truyền rằng:
- Sắc cho ngươi làm bầy tôi Sơn Quân. Nhưng, tính nết của y, khi
mừng thì là em con rồng, mà giận thì là anh con sói (22). Bởi vậy, khi y
mừng thì ngươi nên lượn vòng quanh mà dỗ dành ve vuốt, khi y giận thì
ngươi chớ làm sừng làm cánh (23)cho y, chớ có ở chung với y. Phải đợi khi
y cất tiếng gầm hãy đến. Sơn Quân nghe mệnh lệnh ấy lấy làm đắc ý, cúi
đầu lạy tạ rồi gầm thét bước ra, gặp người thì cắn hại. Bởi vậy người ta
phải ở sàn cao và đóng kín cửa để lánh hại, đặt cạm, giăng lưới để trừ nó đi.
Hổ rời khỏi núi là mất uy thế ngay: bị Biện Trang đâm chết (24), bị Phùng
Phụ bắt sống (25); Cung Thúc Đoạn tay không mà bắt được hổ dâng vua
(26), Tống Minh Công cưỡi lưng không nhảy xuống (27); Địch Lương
Công giẫm lên đuôi mà không kinh (28), bọn Lý Ưng tát vào mõm mà
chẳng sợ (29). Cho nên Kinh Dịch có câu: "Không cắn người, tốt (30)".
-----
(16) Sách Hậu Hán chép: Lưu Côn làm quan ở Hoằng Nông, có nhiều
thiện chính, hổ phải cõng con, lội sông đi về phía Bắc.
(17) Hán Thư nói: "Núi có thú dữ (ý nói hổ) thì rau lê rau hoắc không
ai dám hái; trong triều có người trực thần thì những kẻ gian tà không dám
mưu việc càn."
(18)Tả truyện: Tề và Lỗ đánh nhau, tướng Lỗ lấy da hổ khoác cho
ngựa ra trận. Ngựa của quân Tề tưởng là hổ thực, quay lại chạy, quân Tề
phải rút lui.
(19)Trương Hoành Cừ: tức là Trương Tái, một đại nho đời Tống.