Sinh nghe chữ Đồng Nhân hợp với lời dặn của Mộng Trang khi trước,
rất đỗi vui lòng, liền trả lời ngay:
- Cháu xin vâng theo lời chú dạy.
Người chú liền may sắm quần áo cho Đồng Nhân, lại chọn ngày lành
tháng tốt, đưa Đồng Nhân đến trước mặt Chu Sinh làm lễ. Từ đó gọi nàng
là Chu Thiếp. Được một năm sau, Chu Thiếp sinh con trai. Chu Sinh bế con
ra để đặt tên, nhìn kỹ dung mạo nó, thấy giống hệt như đứa con ở Hoa
Quốc, Sinh nghĩ bụng đã hiểu ngay, lại bấm đốt ngón tay, tính ra cũng đúng
hai mươi sáu tháng.
Ngày tháng thoi đưa, lại tới kỳ thi Hội, Sinh vào thi, được xếp vào
hạng có phân số (5), nên được bổ làm Giáo thụ Hà Nội (6). Từ đó, cứ ba
năm được thăng một bậc. Sau mười hai năm thì làm nên quan to.
Đến năm Quý Mùi, ở đạo Tuyên Quang có giặc Vũ Văn Hối (tức tỵ tổ
của Vũ Văn Uyên (7)), dựa vào thế núi hiểm trở, không nộp cống thuế,
triều đình đã nhiều lần đánh, nhưng không dẹp được. Nhà vua giận lắm,
liền phong Chu Sinh làm Bình man Đại tướng, đem hai vạn quân đi đánh.
Thật là:
Đặt Đổng Giả (8)vào việc binh, không đánh, đánh là phải thắng;
Bàn Tôn, Ngô (9)ở trên chiếu, chẳng làm, làm tất phải nên.
-----
(5)Có phân số: theo thể lệ thi Hội: người nào làm bài tuy chưa đủ số
phân điểm được đậu, nhưng đã đạt đến một phân số điểm nào đó, được xếp
vào hạng khá. Việc dùng người thi hội có phân số đến đời Minh Mạng triều
Nguyễn mới có.
(6) Tên Hà Nội, đến thời Minh Mạng mới có.