Văn Vương hỏi: "Thương dân như thế nào?"
Thái Công đáp: "Làm lợi mà đừng hại, giúp nên mà đừng phá. Để sống mà
đừng giết, ban cho đừng chiếm đoạt. Để vui đừng gây khổ, khiến họ mừng mà
không giận”.
Văn Vương nói: "Xin giải thích lí do”.
Thái Công đáp: "Dân không mất việc là lợi, trồng trọt không lỡ mùa là nên.
Giảm bớt hình phạt là sống, thu thuế nhẹ là cho. Ít xây cất đền đài là vui, quan
lại thanh liêm không sách nhiễu dân là mừng.
Dân bị mất việc là hại, trồng trọt lỡ mùa là hư. Không tội mà phạt là giết,
thu thuế nặng là đoạt. Xây nhiều đền đài khiến dân mỏi mệt là khổ. Quan lại
tham ô sách nhiễu dân lành là giận.
Nên người trị nước chăm sóc dân như cha mẹ thương con, như anh thương
em, thấy dân đói rét thì lo, thấy dân khổ nhọc thì buồn, thưởng phạt như chính
mình phải chịu, thu thuế như chính mình phải đóng. Đây là đạo thương dân".
Thiên thứ bốn
ĐẠI LỄ
Văn Vương hỏi Thái Công: "Lễ nghi của đạo vua tôi như thế nào?".
Thái Công đáp: "Trên phải soi xét, dưới phải thâm trầm, soi xét mà không xa
dân, thâm trầm mà không giấu giếm. Trên phải chu toàn, dưới phải yên định.
Chu toàn là trời, yên định là đất. Có trời có đất thì thành đại lễ".
Văn Vương hỏi: "Làm chủ như thế nào?"
Thái Công đáp: "Khoan thai mà điềm tĩnh, ôn hòa nhưng thẳng thắn. Định
trước mọi việc, cho mà không tranh, khiêm nhường bình dị, lấy sự công bằng
mà xử thế”
Văn Vương hỏi: "Chủ phải nghe như thế nào?”
Thái Công đáp: “Đừng nghe xằng mà hứa, đừng thấy trái mà chống. Hứa sẽ
không giữ được, chống sẽ gặp bế tắc. Núi cao trông lên không thấy được ngọn,
vực sâu nhìn xuống không lường được đáy. Cái đức của bậc thánh minh là
công chính, trầm tĩnh vô cùng".
Văn Vương hỏi: "Chủ phải sáng suốt như thế nào?”
Thái Công đáp: "Mắt quý ở chỗ sáng, tai quý ở chỗ rõ, lòng quý ở chỗ biết.
Lấy mắt của thiên hạ mà xem thì không có gì là không nhìn thấy. Lấy tai của
thiên hạ mà nghe, thì không có gì là không nghe thấy. Lấy lòng của thiên hạ