dương để làm yên lòng vua, sửa sai quần thần, dùng người tài danh, khiến cho
muôn dân vui vẻ, thì không phải là tướng quốc của ta.
Đạo làm vua như đầu rồng, ngự trên cao để nhìn xa, quan sát kỹ để nghe rõ,
chỉ rõ lộ trình như trời cao không thể đến, như vực sâu không thể đo.
Cho nên điều đáng giận mà không giận thì gian thần lộng hành, đáng giết
mà không giết thì giặc lớn nổi lên, quân đội mà không tăng cường thì nước
địch sẽ mạnh hơn”.
Văn Vương nói: "Thật là hay lắm".
Thiên thứ mười
CỬ HIỂN
Văn Vương hỏi Thái Công: "Vua lo cử người hiền mà không nên việc gì cả,
khiến đời càng thêm loạn đến nỗi bị nguy vong là vì sao?”
Thái Công đáp: "Cử người hiền mà không dùng thì chỉ có tiếng là cử hiền
mà không thực sự dùng hiền".
Văn Vương hỏi: "Lỗi đó tại ai?”
Thái Công đáp: "Lỗi đó là vì vua chỉ thích dùng người theo lời khen ở đời,
nên không được người hiền chân chính".
Văn Vương hỏi: "Tại sao vậy?"
Thái Công đáp: "Vua thấy người đời khen thì cho là người hiền, thấy người
đời chê thì cho là không hiền. Nên người nhiều phe đảng ủng hộ thì có thể tiến
thân, người ít phe đảng ủng hộ thì phải lui về. Do đó mà bọn gian tà liên kết để
che giấu người hiền.
Vì thế trung thần vô tội mà bị chết, gian thần nhờ hư danh mà được tước vị,
nên đời càng loạn, thì nước không tránh khỏi cảnh nguy vong".
Văn Vương hỏi: “Cử người hiền như thế nào?”
Thái Công đáp: “Phân định chức vụ tướng quân và tướng quốc rồi chọn
người hiền ra làm quan bằng cách thi tuyển danh tài, tài phải xứng với danh,
danh xứng với tài thì mới đúng là cử người hiền".
Thiên thứ mười một
THƯỞNG PHẠT
Văn Vương hỏi Thái Công: "Thưởng cốt để khen, phạt cốt để ngăn. Nay
trẫm muốn thưởng một người để khuyên trăm người, phạt một người để răn
dân chúng thì phải làm thế nào?"