phần thịt, cũng như ngồi chung thuyền mà sang sông, qua được thì cũng có lối
đi, mà thất bại thì cùng bị hại, nên tất cả đều chờ đón mà không chối từ.
Không lấy của dân là chiếm được dân, không lấy của nước là chiếm được
nước, không lấy của thiên hạ là chiếm được thiên hạ.
Không lấy của dân thì dân làm lợi cho mình, không lấy của nước thì nước
làm lợi cho mình. Không lấy của thiên hạ thì thiên hạ làm lợi cho mình.
Cho nên đạo hay ở chỗ không thể thấy, sự hay ở chỗ không thể nghe, thắng
hay ở chỗ không thể biết. Huyền diệu thay!
Chim cắt sắp bắt mồi thì ngưng bay thu cánh, thú dữ sắp vồ thì nép mình
cụp tai, thánh nhân sắp hành động thì có vẻ dại khờ.
Nay ở nước Thương, dân chúng ngờ vực lẫn nhau, tinh thần hoang mang,
đời sống khổ cực vô cùng. Đấy là cái điềm mất nước.
Ta nhìn thấy ngoài đồng cỏ nhiều hơn lúa, dân chúng thì gian nhiều hơn
ngay, quan lại thì tham tàn bạo ngược, bất chấp cả luật pháp trên dưới đều
không giác ngộ. Đấy là lúc mất nước.
Đại minh phát ra thì muôn vật đều sáng. Đại nghĩa phát ra thì muôn vật đều
lợi. Đại binh phát ra thì muôn vật đều phục tùng.
Vĩ đại thay! cái đức của thánh nhân! chỉ nghe chỉ thấy cũng đủ vui lòng".
Thiên thứ hai
VĂN KHẢI
Văn Vương hỏi Thái Công: "Thánh nhân phải giữ điều gì?"
Thái Công đáp: "Phải lo nghĩ, xót xa, quan tâm đến vạn vật. Xót xa lo nghĩ,
quan tâm thì vạn vật sẽ hết lòng vì mình. Chính sách ban ra, ai cũng biết. Thời
cơ đưa đến, ai cũng biết lúc đổi thay. Thánh nhân giữ điều này mà cảm hoá vạn
vật.
Phàm cái gì đến chỗ cùng tận thì trở lại lúc ban đầu. Muốn tốt nhàn thì khéo
léo mà cầu mong. Cầu mong mà được thì không thể không giữ lấy, đã giữ lấy
thì không thể không hành động, đã hành động thì” không nên khoe mình.
Trời đất không khoe mình nên tồn tại lâu dài. Thánh nhân không khoe mình
nên tên tuổi rạng rỡ.
Xưa Thánh nhân tập hợp người lại thành nhà, tập hợp nhà lại thành nước,
hợp nước lại thành thiên hạ, phong hầu cho người hiền, lập thành vạn quốc, gọi
là đại kỉ.