Đặt ra chính sách, dạy dỗ, dựa theo phong tục của dân, sửa điều trái thành
ngay, thay hình đổi dạng muôn nước đều thông, khắp nơi đều vui vẻ, mọi
người đều thương vua, gọi là đại thịnh.
Ôi, Thánh nhân lo ổn định, hiền nhân lo chỉnh đốn, kẻ ngu không thể chỉnh
nên tranh chấp với người trên, nên có nhiều hình phạt, hình phạt nhiều thì dân
lo lắng, dân lo lắng nên lưu vong khắp nơi, trên dưới sống không yên, cứ thế
kéo dài đời này sang đời kia, gọi là đại thất.
Người trong thiên hạ ví như dòng nước chảy, hễ ngăn thì dừng, mở thì chảy,
yên thì trong.
Thần diệu thay! Thánh nhân thấy cái khởi đầu thì biết được sự kết thúc".
Văn Vương hỏi: "Làm sao yên?"
Thái Công đáp: "Trời có hình tượng của trời, dân có đời sống bình thường,
cùng dân chung sống thì thiên hạ yên. Xưa bậc minh quân noi theo đó mà cảm
hóa dân, dân được cảm hóa thì tuân theo chính sách, nên làm nên sự nghiệp,
giàu có. Đấy là cái đức của thánh nhân".
Văn Vương nói: "Lời nói của người rất hợp với lòng ta vậy. Ta sẽ đêm ngày
ghi nhớ không quên để dùng làm đạo".
Thiên thứ ba
VĂN PHẠT
Văn Vương hỏi Thái Công: "Văn phạt là thế nào?".
Thái Công đáp: "Văn phạt có mười hai điều:
1/ Tùy sở thích của người mà chiều theo ý họ, họ sẽ sinh lòng kiêu hãnh, sẽ
hay gây sự, ta nhân dịp đó mà trừ đi.
2/ Thân thiện với người họ yêu quý để chia xẻ uy quyền, một người mà hài
lòng thì nội bộ ắt suy, trong triều không có trung thần thì xã tắc phải nguy.
3/ Mua chuộc những người thân cận để gây cảm tình. Thân ở trong mà lòng
ở ngoài thì nước sẽ bị hại.
4/ Cho họ hưởng lạc để làm tan ý chí, biếu nhiều châu ngọc, hiến dâng gái
đẹp để mua vui, nói năng khiêm nhường thuận với lẽ phải thì họ sẽ không
tranh, gian kế ấy sẽ thành.
5/ Đối với trung thần không được hối lộ, vờ lưu giữ họ, khiến cấp trên
không nghi họ mà thay ngay kẻ khác. Ta đối với họ thành thật, thân mật và tin
tưởng. Vua sẽ triệu họ về mà nghiêm trị. Khi đó ta có thể mưu việc lấy nước.