Cho nên Binh pháp nói “Về việc quân, năm tài không bỏ sót thứ gì” lời nói
đáng tin thay. Như người điếc thì chuyên việc nhìn, có thể giữ vọng lâu; người
mù thì chuyên việc nghe, có thể khiến cầm canh; người ngay không tham thì
cho giữ kho; người tham không sợ chết thì cho đi tiên phong; người trung
không mang hai lòng thì cho làm gián điệp. Năm tài đều dùng không bỏ sót, thì
tướng sĩ hòa nhau, đánh một trận mà thành công. Binh pháp nói “Sĩ tốt theo
mệnh, bởi vì kính lễ hiền nhân thì sĩ dễ đến”. Bởi vì tính mệnh ba quân ở trong
tay một tướng, tướng dùng người, như nuôi vợ con, người dũng thì cho ăn lộc
hậu, người trí thì đem thân ủy cho, người tài thì phong tước cho, người hiền thì
lấy lễ mà khuyến. Ví như người rét thì cho áo mặc, người đói thì cho cơm ăn,
người ốm thì cho thuốc uống, người chết thì thương xót mà tống táng. Như thế
thì lòng sĩ tốt thà chết chứ không lui để sống.
Binh pháp lại nói “Tướng chịu trách nhiệm lúc nguy”. Bởi vì có lúc an thì
có lúc nguy; ăn lộc vua thì siêng việc vua; nếu lúc an mà không lo thì như
chim yến làm tổ trên màn, như con cá bơi lội trong chậu, an thế nào được. Lúc
lâm nạn thì có tai mắt chân tay. Người không tai mắt lấy gì mà nghe trông,
không chân tay lấy gì mà động tác. Cho nên người trí thì làm tai mắt lòng dạ,
người dũng thì làm chân tay nanh vuốt. Chớ vì người mình yêu mà tác uy; chớ
vì mình có quyền mà lấn át; chớ vì thế mà oan riêng; chớ đem thưởng cho
người thân. Như thế thì trên dưới cùng lòng mà ba quân liều chết. Cho nên
Thần kinh nói rằng “Tướng như thuyền, quân như nước, nước chở được
thuyền mà cũng đắm được thuyền”. Nếu thưởng không đáng công, phạt không
đúng tội, thì ba quân đều oán. Cho nên, người có công dẫu thù cũng thưởng,
người có tội dẫu thần cũng phạt; thưởng không để quá một tuần, phạt chẳng
nể người thân, là nghĩa thế đấy. Cho nên Binh pháp nói “Điều cốt yếu để cho
quân hòa là ở thưởng phạt công, thủ xả minh mà thôi”. Lại nói “Tướng cần có
nhiều người phụ”. Bởi vì nhiều người phụ thì tướng mạnh, ít người phụ thì
tướng yếu. Ví có tướng dữ như hổ lang, lại được quân như báo khuyển, tướng
biết tình quân, quân biết ý tướng, dẫu quân nhiều đến trăm vạn, chỉ bảo cũng
như chỉ bảo một người.
Như hành binh phải có lễ, sai người phải theo thời. Kể ra lễ là tiết văn của
thiên lý, là nghi tắc của nhân sự, như người đi trước đợi người đi sau, người đi
sau trông người đi trước, người bên tả đợi người bên hữu, người bên hữu đợi