Như thế bậc vua chúa bèn đặt ra nhạc để tiết chế lòng người, khiến cho khỏi
mất sự điều hòa.
Cho nên bậc vua chúa có đức dùng nhạc để làm người vui, còn bậc vua chúa
không có đức dùng nhạc để thân vui.
Làm người vui thì được lâu mà nước được vững bền, còn làm thân vui thì
chẳng được bao lâu mà nước sẽ mất.
Bỏ việc gần mà lo việc xa thì lao nhọc chẳng thành công.
Bỏ việc xa mà lo việc gần thì nhàn rỗi mà chóng hết (không thành công lâu
dài).
Thi hành chính sách nhàn rỗi thông thả thì có nhiều tôi trung.
Thi hành chính sách lao nhọc thì có nhiều dân oán.
Cho nên có nói:
Chỉ lo về đất rộng, thì đất sẽ bỏ hoang.
Chỉ lo về đức rộng, thì nước sẽ cường thịnh.
Thường có sẵn, thì cái có ấy được bảo đảm.
Tham lam cái có của người thì chóng hủy hoại.
Chính sách tàn hại cho đời phiền lụy và lo buồn.
Sự tạo tác quá mức mà cố gắng miễn cưỡng làm cho thành công, ắt phải thất
bại.
Bỏ lỗi cho mình mà đi dạy người là nghịch lí.
Sửa mình cho ngay thẳng mà cảm hóa người là thuận lí.
Việc thuận là cốt yếu của sự yên trị.
Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ năm cái ấy thuộc về một thể chung.
Đạo là đường lối mà ta bước theo,
Đức là cái mà người ta được nơi mình,
Nhân là cái mà người ta ưa gần,
Nghĩa là cái người ta nên làm,
Lễ là cái thể thức hành động của người ta,
Những điều ấy rất cần thiết, không thể không có một điều mà được.
Cho nên sớm dậy tối ngủ, đó là phép tắc của lễ nghi.
Dẹp giặc báo thù là phán quyết của điều nghĩa,
Lòng trắc ẩn là sự phát biểu của điều nhân,
Được cho mình, được cho người, là đường lối thực hiện của cái đức.