Y cố ý trêu nàng: “Vậy cũng không được trộm cá trong ao phóng sinh
chứ.”
Vân Phỉ vốn định giải thích một câu xong sẽ bỏ đi, nhưng từ “trộm”
kia giống như là một thanh kiếm sắc đâm vào, khiến nàng không còn mặt
mũi nào nữa. Nàng đỏ mặt, nói: “Ta không trộm mà.”
Y nhướng mày, nói: “Lẽ nào các sư phụ trong chùa đồng ý rồi sao?”
Vân Phỉ biện bạch: “Những con cá này là do khách đến dâng hương
thả vào, đối với các sư phụ trong chùa, mọi thứ đều là vật ngoài thân, cho
nên những con cá này cũng không phải là của họ, nói đúng ra nó là vật vô
chủ.”
Sự ứng đối nhanh nhạy của nàng làm Úy Đông Đình hơi bất ngờ, chỉ
có thể nói: “Cá không chủ cũng không thể tùy tiện bắt được.”
Vân Phỉ không phục, nói: “Phật dạy chúng sinh đều bình đẳng. Cá
ngoài sông suối và cá trong ao phóng sinh đều là cá, tại sao cá ngoài sông
suối có thể bị người ta bắt để ăn mà cá trong ao phóng sinh thì không thể?”
“Lẽ nào cô nương không biết trong các tội nghiệt, sát sinh là tội nặng
nhất; trong các công đức, phóng sinh là điều thiện nhất?”
Vân Phỉ nghênh mặt lên, nói: “Ma Ha Tát Đỏa [1] có thể xả thân cho
cọp ăn thì sao những con cá này không thể xả thân cho người ăn? Nếu có
thể vì vậy mà thoát khỏi kiếp thú vật, há chẳng phải là một việc công đức
sao? Trên đời này kẻ mạnh thì có quyền. Có câu “cá nằm trên thớt”, chứng
tỏ cá là phải để cho người ăn.”
[1] Ma Ha Tá Đỏa: vị bồ tát đã đem mình cho cọp mẹ ăn để cứu hai
con cọp con đang kiệt sức, nhờ đó mà thành chánh quả. Nhắc đến vị bồ tát
này là nhắc đến sự xả thân, hy sinh cho người khác.