- Cháu phải nằm yên một thời gian, - thầy lang đáp tránh đi. Ông hiểu
rằng việc đó phải kéo dài chừng hai tháng, song ông không muốn làm cô
buồn. Vậy nên khi cô than phiền vì sẽ bị mất việc ở cửa hàng bà Skốp-kô-
va nếu phải nằm lâu hơn nữa, khi cô đòi đứng dậy thử, ông mắng cô:
- Đừng trêu tức Thượng đế! Hãy cảm ơn chúa là cháu đã qua khỏi.
Phải nghe lời bác nếu cháu không muốn gặp chuyện chẳng lành!
- Thôi, thôi, được rồi, bác An-tô-ni thân yêu, - cô mỉm cười với ông,
hai tay chắp lại. - Xin bác đừng giận.
- Bác giận sao được! - Ông rạng ngời khuôn mặt. - Làm sao bác có thể
giận cháu được cơ chứ, vầng mặt trời của bác!
- Cháu gây nên biết bao phiền hà...
- Sao lại phiền hà! - Ông phản đối. - Đó là niềm vui to lớn nhất đối với
bác. Thế còn, nếu nói đến bà Skốp-kô-va, thì cháu đừng nghĩ đến chuyện
trở về đó nữa.
- Sao lại thế ạ?
- Thế cháu về đó làm gì kia chứ, con bồ câu nhỏ?... Ồ, khi nào khỏi
hẳn, cháu sẽ ở lại đây với bác...
Ông mỉm cười và nói thêm:
- Nếu cháu muốn.
Ông An-tô-ni không thừa nhận những nỗi phiền toái mà Ma-rư-sia nói
đến, vì tất cả những việc ông làm cho cô, ông đều không coi là chuyện
phiền hà. Mà những việc ấy thì nhiều lắm. Hàng ngày ông phải bế cô trên
tay, chuyển sang giường mình đặt trong hốc tường, rồi cẩn thận thay vải
trải giường cho cô, phải dùng khăn mặt nhúng vào nước ấm lau mặt và tay
cho cô như một đứa trẻ sơ sinh.
Còn những việc khác của người ốm, ông gọi ai đó trong đám phụ nữ,
nhất là cô bé Na-tan-ka, cô bé gần như ngưỡng mộ Ma-rư-sia, song ông
cũng phải giúp một tay, vì không người đàn bà nào có đủ sức để bế bổng