và trước hết có thể thoải mái trong cư xử, điều bao giờ cũng khá khó khăn
đối với mỗi người khi nhập vào môi trường mới.
Nửa giờ sau, ông bà Trưn-xki đi, vì lẽ phu nhân E-lê-ô-no-ra còn phải
chuẩn bị đồ đạc đi đường, Lê-sếch và Ma-rư-sia ở lại và hai tiếng nữa họ
mới phải lên đường để gặp lại mẹ ở ga. Lúc ấy, ông lão Prô-cốp xuất hiện
trong nhà ngang, mời cả hai dùng bữa tối. Sự kiện của cậu chủ Lu-đơ-vi-
kốp chọn một người vợ ngay dưới mái nhà ông, đối với ông - như lời ông
nói - là một niềm vinh hạnh đáng phải khao. Vì vậy trên bàn ăn xuất hiện
cả một chai rượu anh đào, và để chào mừng đôi uyên ương mới đính ước,
ông chủ nhà đọc một bài diễn văn dài, chen lẫn rất nhiều những câu trích từ
kinh thánh cùng những suy ngẫm triết lý của chính ông.
Thông thường, chuyến tàu đêm rất ít khách. Hôm ấy, vì là thời gian
trước ngày lễ, trong phòng đợi nhà ga có nhiều khách buôn từ thị trấn lên
Vin-nô để mua thêm hàng. Việc Lê-sếch và Ma-rư-sia xuất hiện với sự tùy
tùng của phu nhân Trưn-xka gây nên một chấn động dễ hiểu. Ông trưởng
ga nghĩ mình có bổn phận phải chào hỏi phu nhân Trưn-xka, rồi ông hỏi:
- Dịp lễ mà tôn phu nhân cũng bỏ quê hương ra đi chăng?
- Không. Vài hôm nữa chúng tôi sẽ về thôi, - phu nhân Trưn-xka đáp. -
Tôi chỉ cùng con trai và con dâu tương lai đi mua sắm vài thứ lặt vặt thôi.
Trưởng ga kinh ngạc đến nỗi há hốc miệng. Lê-sếch mủm mỉm cười,
hài lòng nghĩ bụng:
- Nào, ngày mai thì có chuyện cho họ bàn tán ở Ra-đô-li-xki lẫn khắp
cả vùng nhé.