Thật ra, ông cũng còn những dấu vết khác theo hướng này kia mà.
Trong số những người được khám có cô gái được mổ vì dập đáy hộp sọ.
Giáo sư Đô-bra-nhe-xki cũng hơi suy nghĩ về cái họ của cô: Vin-tru-rúp-na,
nhưng vì vội vã ông không nghĩ đến việc hỏi kỹ cô gái. Vả chăng cái họ ấy
cũng hay gặp, chính ông cũng có đến vài bệnh nhân họ là Vin-tru-rơ. Song
cần phải cân nhắc chứ. Tuổi của cô Vin-tru-rúp-na hình như cũng phù hợp
với tuổi con gái giáo sư Vin-tru-rơ... Khi cùng mẹ biến mất khỏi chân trời
Vac-sa-va cô mới... bẩy tuổi. Phải, thế là rõ...
- Không thể là chuyện tình cờ! Thầy lang Kô-si-ba... và cô gái ấy...
Giáo sư vứt điếu thuốc chưa châm rồi lau trán. Trán ông ướt.
- Thế là ông ấy không chết, không bị giết chết!
Ông ấy đã ẩn náu ở vùng biên thùy này dưới lốt một nông dân với một
cái tên xa lạ, ông ấy ẩn náu cùng đứa con gái, thế nhưng tại sao cô ấy
không đổi họ nhỉ?... Tại sao chính nơi đây cha con lại phải đóng vai hai
người xa lạ?...
Lúc này ông sực nhớ lại lời cô gái nói với ông trong khi khám:
- Bác An-tô-ni dành cho tôi nhiều hi sinh hơn cả những gì có thể chờ
đợi ở một người bác ruột.
Vở hài kịch ấy để làm gì nhỉ?... Nào, cả bố cô ta nữa chứ! Chỉ cần
đứng dậy và nói:
- Tôi có quyền mổ xẻ và chữa bệnh. Tôi không phải là thầy lang Kô-
si-ba. Tôi là giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ.
Ông ấy sẽ được tự do ngay.
Vậy tại sao ông ấy cứ cố sống cố chết bám lấy cái lốt giả của mình?
Ông ấy có thể xưng họ tên thực của mình ngay từ phiên tòa sơ thẩm, ấy thế
mà lại chịu nhận bản án ba năm tù.
Nếu giáo sư Đô-bra-nhe-xki không hiểu kỹ người sếp cũ và người thầy
học của mình như ông đã hiểu chắc ông có thể nghĩ rằng giáo sư Vin-tru-rơ