Dù mỗi xã hội loài người đều mang tính độc nhất, nhưng vẫn tồn tại những
mẫu hình ở nhiều nền văn hóa cho phép chúng ta tổng quát hóa. Cụ thể, có
những xu hướng tương quan ở ít nhất bốn khía cạnh của xã hội: quy mô
dân số, sinh kế, độ tập trung hóa chính trị và phân tầng xã hội. Với quy mô
và mật độ dân số ngày càng tăng, việc tìm kiếm thức ăn và các nhu yếu
phẩm khác có xu hướng ngày càng mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là nhiều
thực phẩm sẽ được tạo ra trên một mẫu Anh bởi người nông dân tự cung tự
cấp hơn là bởi những nhóm du canh du cư săn bắt - hái lượm nhỏ lẻ; và còn
nhiều thực phẩm hơn nữa được thu hoạch trên mỗi mẫu Anh đất được
những người ở các khu vực có mật độ dân số cao hơn và ở các nông trại cơ
khí hóa của các nhà nước hiện đại chăm sóc. Quá trình ra quyết định chính
trị ngày càng tập trung hơn, từ các cuộc thảo luận nhóm trực tiếp của những
nhóm người săn bắt - hái lượm đến hệ thống thứ bậc chính trị và quyết định
bởi những lãnh đạo trong các nhà nước hiện đại. Sự phân tầng xã hội tăng
dần, từ chủ nghĩa công bằng tương đối của các nhóm người săn bắt - hái
lượm nhỏ lẻ đến tình trạng bất bình đẳng giữa người với người ở các xã hội
tập trung hóa quy mô lớn.
Những tương quan giữa các khía cạnh khác nhau này của một xã hội không
hề cứng nhắc: một số xã hội ở quy mô nào đó có sinh kế mạnh mẽ hơn, tập
trung chính trị hơn hoặc phân tầng xã hội hơn những xã hội khác. Tuy
nhiên chúng ta cần một số thuật ngữ ngắn gọn để chỉ những loại hình xã
hội khác nhau hình thành từ các xu hướng rộng này, đồng thời công nhận
tính đa dạng bên trong các xu hướng. Vấn đề thực tế của chúng ta cũng
giống với khó khăn mà các nhà tâm lý học phát triển gặp phải khi thảo luận
về sự khác biệt giữa những cá thể người. Dù mọi con người đều là độc
nhất, nhưng vẫn có những xu hướng rộng liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn
như thường thì trẻ lên 3 sẽ khác với người 24 tuổi ở nhiều khía cạnh tương
quan. Tuy nhiên, tuổi tác tạo thành một chuỗi liên tục không đứt quãng đột
ngột: không có những chuyển đổi bất ngờ từ trạng thái "như 3 tuổi" thành
trạng thái "như 6 tuổi". Và vẫn có khác biệt giữa những người cùng độ tuổi.
Trước những điểm phức tạp này, các nhà tâm lý học phát triển vẫn nhận