với nguyên nhân sâu xa của Thế chiến I, nên chúng tôi cũng không mong
đợi có thể hiểu được dễ dàng những nguyên nhân sâu xa của chiến tranh
truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên nghiên cứu về chiến tranh truyền thống
sẽ có lợi thế hơn những sinh viên nghiên cứu về hai cuộc chiến tranh thế
giới, vì có vô vàn những cuộc chiến tranh truyền thống để đem ra so sánh
và phân tích.
Nhân tố sâu xa thường được đưa ra cho chiến tranh truyền thống là chiếm
đất hoặc các tài nguyên khan hiếm khác như thủy sản, nguồn muối, mỏ đá
hoặc sức lao động con người. Ngoại trừ những môi trường có nhiều biến
động khắc nghiệt khiến mật độ dân số thấp trong dài hạn hoặc vĩnh viễn,
các nhóm người thường gia tăng kích thước quần thể để tận dụng được hết
đất đai, tài nguyên, sau đó có thể tăng thêm bằng cách chiếm đoạt của
những nhóm khác. Do đó, con người đi đến chiến tranh để tước đoạt đất
hoặc tài nguyên của những nhóm khác, hoặc để bảo vệ đất đai và tài
nguyên của mình. Chính quyền nhà nước tiến hành chiến tranh để chiếm
đoạt đất đai và lao động thường tuyên bố động cơ này một cách rõ ràng. Ví
dụ, Hitler đã viết và nói về nhu cầu của Đức về Lebensraum (khoảng không
gian sống ở phía đông), nhưng người Nga và những người Xla-vơ khác lại
sống ở phía đông của Đức, vì vậy mục tiêu có được không gian sống phía
đông cho nước Đức của Hitler đã dẫn ông đến việc xâm lược Ba Lan và sau
đó là Nga để có thể chinh phục, bắt làm nô lệ, hoặc giết người Xla-vơ sống
ở đó.
Carol và Melvin Ember đã tiến hành cuộc kiểm định quy mô nhất về lý
thuyết cho rằng tình trạng thiếu đất và tài nguyên dẫn đến chiến tranh, họ
sử dụng mẫu nghiên cứu so sánh giữa nhiều vùng văn hóa - 186 xã hội.
Dựa trên thông tin dân tộc học về các xã hội này được tóm tắt trong Hồ sơ
Vùng Quan hệ Con người (một cuộc khảo sát đa văn hóa quy mô lớn),
Carol và Melvin đã chọn ra các thước đo cho một số nguyên nhân gây thiếu
tài nguyên: tần suất của nạn đói, tần suất của thiên tai như hạn hán hoặc
sương giá và tần suất khan hiếm thực phẩm. Các thước đo này hóa ra lại là