đã giết người và chưa giết người với nhau, thì những người từng giết người
có trung bình nhiều vợ hơn gấp 2,5 lần và có con cái nhiều hơn gấp ba lần
so với người chưa giết người. Tất nhiên những kẻ giết người cũng có nhiều
khả năng bị chết hoặc bị giết ở độ tuổi trẻ hơn những người không giết
người, nhưng trong thời gian sống ngắn ngủi đó, họ giành được nhiều sự tín
nhiệm và tưởng thưởng của xã hội, từ đó có nhiều vợ con hơn. Tất nhiên,
ngay cả khi mối tương quan này là đúng đối với người Yanomamo, tôi cũng
không khuyến khích các bạn làm như vậy và tôi không nghĩ nó có thể được
khái quát hóa để áp dụng cho mọi xã hội truyền thống. Trong một số xã
hội, những người đàn ông hiếu chiến có tuổi thọ ngắn có khả năng sẽ không
được bù đắp bằng việc thu hút nhiều vợ hơn tính trên mỗi thập kỷ trong
cuộc đời vốn đã ngắn ngủi hơn của họ. Đó là trường hợp của thổ dân da đỏ
Waorani của Ecuador, những người thậm chí còn hiếu chiến hơn người
Yanomamo. Tuy nhiên, các chiến binh Waorani hiếu chiến không những có
ít vợ hơn những người đàn ông ôn hòa, mà họ thậm chí còn có ít con cái
sống sót qua tuổi sinh sản hơn.
Con người chiến đấu với ai?
Chúng ta đã thảo luận vì sao những xã hội quy mô nhỏ lại chiến đấu với
nhau, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về việc họ chiến đấu với ai. Ví dụ, các
bộ lạc sẽ có xu hướng xung đột với những bộ lạc nói khác ngôn ngữ hay
cùng ngôn ngữ với mình? Liệu họ sẽ chiến đấu hay tránh xung đột với
những bộ lạc mà họ có giao thương hay có hôn phối?
Chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời trong bối cảnh quen thuộc hơn bằng
cách đặt câu hỏi tương tự với các quốc gia hiện đại khi tiến hành gây chiến.
Nhà khí tượng học nổi tiếng người Anh, Lewis Richardson, người có
chuyên môn phân tích các dấu hiệu phức tạp của gió dựa trên toán học, đã
trải nghiệm hai năm trong Thế chiến I khi đi theo một đoàn xe cứu thương
vận chuyển thương binh và bệnh binh. Hai trong ba người anh em của vợ
ông đã hy sinh trong chiến tranh. Được thúc đẩy bởi những mất mát này