Những độc giả chưa được nói chuyện nhiều năm với người vùng Cao
nguyên New Guinea có thể vẫn tự hỏi: Làm thế nào mà các xã hội này quá
khác với chúng ta, họ thích thú và tưởng thưởng việc giết người? Họ là loại
người mạn rợ nào mà có thể nói không chút xấu hổ về sự vui thích khi giết
kẻ thù như vậy?
Trên thực tế, các nghiên cứu dân tộc học về những xã hội loài người truyền
thống nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền nhà nước đã chỉ ra rằng
chiến tranh, giết người và sự tàn bạo với các nước láng giềng đã trở thành
quy chuẩn thay vì ngoại lệ; thành viên của những xã hội chấp nhận các quy
chuẩn nêu trên đều là những người hạnh phúc, tỉnh táo và không hề man rợ.
Điều khác biệt trong xã hội nhà nước là chúng ta được dạy để bắt đầu tiếp
nhận những quy chuẩn truyền thống đó một cách đột ngột và chỉ ở một số
thời điểm nhất định (khi tuyên bố chiến tranh), rồi gạt bỏ chúng một cách
bất ngờ sau đó (khi ký kết hiệp ước hòa bình). Hệ quả là sự bối rối bởi hận
thù một khi đã khởi phát thì không thể dứt bỏ dễ dàng.
Trong các xã hội nhà nước phương Tây ngày nay, khi lớn lên, chúng ta học
những nguyên tắc đạo đức phổ biến được truyền bá hàng tuần trong nhà
thờ, được hệ thống hóa trong các bộ luật. Điều răn thứ sáu tuyên bố đơn
giản rằng, "Ngươi không được giết" - và không có sự phân biệt đối xử nào
giữa công dân cùng nước hay đối với công dân của các nước khác. Và rồi,
sau ít nhất 18 năm truyền dạy những nguyên tắc đạo đức như vậy, chúng ta
tuyển thanh niên, đào tạo họ thành binh lính, đưa cho họ súng và yêu cầu
họ phải quên đi tất cả những điều dạy dỗ không được giết người trước đó.
Không ngạc nhiên khi nhiều binh lính hiện đại không thể vào trận chĩa súng
vào kẻ địch và bóp cò. Những người giết kẻ địch thường bị rối loạn căng
thẳng kéo dài sau cú sốc (ví dụ, khoảng 1/3 binh sĩ Mỹ, những người đã
từng phục vụ ở Iraq hoặc Afghanistan). Khi trở về nhà, thay vì khoe
khoang về việc giết địch, họ gặp phải những cơn ác mộng và cũng không
nói chuyện về nó, trừ khi nói chuyện với các cựu chiến binh khác (Hãy