Tuy nhiên, có lẽ chức năng quan trọng nhất của người già trong xã hội
truyền thống là điều có thể không xảy ra đối với độc giả của cuốn sách này.
Trong một xã hội trí thức, nơi lưu trữ thông tin quan trọng là các nguồn
được viết lại hoặc số hóa: bách khoa toàn thư, sách, tạp chí, bản đồ, nhật
ký, ghi chú, thư từ và cả Internet. Nếu muốn xác nhận dữ liệu, chúng ta sẽ
tìm kiếm nó từ một nguồn thông tin bằng văn bản hoặc trên mạng. Tuy
nhiên, lựa chọn đó không tồn tại ở một xã hội thuộc thời kì tiền văn tự, mà
phải dựa vào trí nhớ của con người. Do đó, trí nhớ của người lớn tuổi là
bách khoa toàn thư và thư viện của các xã hội. Rất nhiều lần ở New
Guinea, khi tôi phỏng vấn người dân địa phương và hỏi họ một số câu hỏi
mà họ không chắc về câu trả lời, người cung cấp thông tin cho tôi nói:
"Hãy hỏi các ông già [hay bà già]." Người già biết các huyền thoại và bài
hát của bộ lạc, ai có liên quan đến ai, ai đã làm những gì với ai vào lúc nào,
tên gọi, thói quen và cách sử dụng hàng trăm loài thực vật và động vật địa
phương, cũng như đi đâu để tìm thức ăn khi tình thế trở nên khó khăn. Do
đó, việc chăm sóc người già trở thành vấn đề sống còn, tương tự như việc
bảo vệ các hải đồ của các thuyền trưởng ngày nay. Tôi sẽ minh họa cho giá
trị này của người già bằng câu chuyện về một trường hợp mà ở đó kiến
thức cần thiết cho sự sống còn của bộ lạc.
Câu chuyện xảy ra với tôi vào năm 1976, trên Rennell − một hòn đảo Tây
Nam Thái Bình Dương. Vì tôi được cử ra Rennell để chuẩn bị cho báo cáo
tác động môi trường của một mỏ bauxite được đề xuất trên đảo, tôi muốn
tìm hiểu bằng cách nào rừng có thể tái sinh một cách nhanh chóng sau khi
bị phá để khai thác mỏ và những loài cây nào có ích để cho gỗ, hoa quả ăn
được, hoặc các mục đích khác. Những người dân đảo độ tuổi trung niên kể
tên cho tôi 126 loài thực vật ở Rennell theo ngôn ngữ Rennell (anu,
gangotoba, ghai-gha-ghea, kagaa-loghu-loghu, v.v…). Với mỗi loài, họ giải
thích vì sao động vật và con người không thể ăn được hạt và quả của loài
đó, hoặc nếu không thì dơi và chim ăn được nhưng người thì không, hay
những loài nào an toàn với con người. Trong số những loài con người ăn
được đó, một số được tiếp tục phân loại như "chỉ ăn sau hungi kengi".