thuần hóa có giá trị nhất, cuối cùng có thể bành trướng ra thế giới, trong khi
người !Kung và thổ dân úc không thể. Quay lại mục đích của cuốn sách
này, điều đó có nghĩa là những người hiện vẫn còn sống hoặc gần đây còn
sống trong các xã hội truyền thống là những người hiện đại về sinh học
nhưng đơn thuần phải sống ở những vùng với ít loài cây và động vật có thể
thuần hóa, nếu không như vậy thì cách sống của họ vẫn có nét tương đồng
với độc giả của cuốn sách này.
Cách tiếp cận, nguyên nhân và tài nguyên
Trong phần trước, chúng ta thảo luận về những khác biệt giữa các xã hội
truyền thống có liên quan một cách hệ thống đến những khác biệt về quy
mô và mật độ dân số, phương tiện tìm kiếm thức ăn và môi trường. Dù
những xu hướng tổng quát này thật sự tồn tại, nhưng sẽ là nực cười khi cho
rằng mọi thứ về xã hội có thể được dự báo từ những điều kiện vật chất. Ví
dụ, hãy nghĩ về những khác biệt văn hóa và chính trị giữa người Pháp và
người Đức, không có liên hệ hiển nhiên nào với những khác biệt giữa môi
trường của Pháp và Đức, những khác biệt mà dù trong trường hợp nào cũng
là không đáng kể theo các chuẩn mực về biến đổi môi trường trên toàn thế
giới.
Các học giả sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải thích những
khác biệt giữa các xã hội. Mỗi cách tiếp cận có thể giải thích được một số
khác biệt giữa một số xã hội, nhưng không phù hợp để lý giải những hiện
tượng khác. Có một cách tiếp cận là sự tiến hóa, được thảo luận và diễn giải
trong phần trước: công nhận những đặc điểm bao quát khác nhau giữa các
xã hội có quy mô và mật độ dân số khác nhau, nhưng giống nhau ở các xã
hội có quy mô và mật độ dân số tương đồng; rồi suy luận ra và đôi khi có
thể quan sát trực tiếp, các thay đổi trong một xã hội khi nó trở nên lớn hơn
hay nhỏ hơn. Liên quan đến cách tiếp cận tiến hóa là phương pháp có thể
được gọi là cách tiếp cận thích ứng: ý tưởng rằng một số đặc tính của một
xã hội có thể biến đổi thích nghi và chúng thúc đẩy xã hội vận hành hiệu