Tiểu-thuyết bấy giờ chỉ có giá-trị luân-lý. Một quyển tiểu-thuyết là một tấm
gương luân lý gọt giũa khéo hay vụng để cho mọi người soi chung. Thời-kỳ
tiểu-thuyết luân-lý rất dài trong văn-chương ta.
Nhưng tiểu-thuyết luân-lý phải cái là lạt lẽo, vô-vị. Cứ nhắc đi nhắc lại một
cái đề, tác giả làm cho người đọc buồn ngủ và chán nản, Các nhà văn biết
rằng phải tìm một cái gì khác hơn.
Sự phản-động đến rất nhanh chóng; đó là thời-kỳ tiểu thuyết có kết cục
xấu; trai tài, gái sắc không lấy được nhau nữa, trái lại bị chia rẽ và đau đớn,
Người ta muốn nhìn nhận cuộc đời đúng hơn, và một ý chua-chát lẩn vào
cái luân lý của truyện. Người ta muốn bi-quan bởi muốn tỏ ra người thức
thời. Đa sầu đa cảm thành ra một điểm hay của tâm-hồn. Người ta muốn
nhìn thấy sự thanh-nhã và cao-quý trên vầng trán xanh xao của nhà văn-sĩ.
Những tiểu-thuyết sầu-thảm: “Bể Oan”, “Bể Khổ”, “Thuyền Tình Bể Ái”,
“Kiếp Trầm-Luân”, mà báo Phong-Hóa đã giễu một cách ý-vị, thi nhau
xuất-bản, đó là thời kỳ các văn-sĩ tự cho mình là ho lao, lúc nào cũng có vẻ
đau xót cho thân-thế.
Lâu dần, về sau, người ta bắt đầu thấy rằng hai thái-độ đó, cái lạc-quan dễ
dàng của tiểu-thuyết luân-lý và cái bi-quan quá đáng của tiểu-thuyết sầu
đều không đúng với cuộc đời. Sự sống không phải cái này, cũng không phải
cái kia. Sự sống phiền-phức hơn, và các nhà văn muốn diễn-tả cái phức-tạp
ấy. Nhưng họ chưa đến được ngay.
Vào quãng này, có sự phản-động gây nên bởi Phong-Hóa, trong hình-thức
và tinh-thần. Về phần hình-thức, Phong-Hóa hết sức phá bỏ các sáo cũ
trong cách viết văn. Một câu văn sáo là một câu văn có những chữ đối chọi
nhau cho kêu, và những ý-nghĩ, những hình-ảnh sẵn-sàng, chỉ việc chắp nối
với nhau. Phong Hóa phá bỏ lề lối, và gây nên một lối văn giản-dị, dễ hiểu,
bình-dân hơn và hết sức tránh dùng chữ Hán. Chính lối văn ấy, mỗi ngày
một mềm dẻo hơn, giầu thêm vì những cách hành-văn của chữ Pháp, là lối
văn thịnh-hành đến bây giờ.