Về tinh-thần, Phong-Hóa phấn-đấu với sự thất-bại cam chịu của con người,
bày tỏ rằng đa sầu là cái hại, buồn thảm là một cách trốn tránh trước những
bổn-phận phải làm. Sự vui vẻ không phải là thủ-tục và đáng khinh nữa. Cái
cười lấy lại giá trị của nó, trở nên sâu-sắc và thanh-nhã.
Sự phản-động trên đây đến vừa hợp lúc, đánh tan cái văn-chương sầu-thảm
đi, và dấy lên một nền văn mới. Từ năm 1938 trở đi, văn-chương ta đến
thời-kỳ loạn lạc, không quy củ nhất định, nhưng mang ở trong nhiều mầm
giống mới. Cuộc tranh-luận “Nghệ-thuật vị nghệ-thuật” và “Nghệ-thuật vị
nhân-sinh” của một vài nhà văn trên các báo là một chứng-cớ.
Những phong-trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung:
là nông nổi, chỉ hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sâu sắc. Bởi
ta không chịu phân tách và suy xét kỹ, nên bất cứ một vấn-đề gì chúng ta
cũng không biết được rõ ràng và chu-đáo, biết một cách thấu suốt. Mà tâm-
hồn người ta lại là một vật khó biết nhất. Những trạng-thái tâm-lý trong
lòng người rất là phiền-phức, kín đáo và uyển-chuyển. Biết mình, xưa nay
vẫn là câu châm-ngôn của các nhà hiền-triết. Nhưng không một ai dám tự-
phụ là thực-hành được câu ấy cả.
Trong văn-chương ta, từ 1935 trở đi, có hai phong-trào: phong-trào bình-
dân và phong-trào xã-hội. Nhưng ở đây cũng như ở trường-hợp chính-trị,
những người hiểu biết và thành-thực rất hiếm, phần nhiều chỉ là a-dua.
Nhiều nhà văn xưa nay không hề chú ý đến tình cảnh sinh hoạt của dân
quê, bỗng một sáng tỉnh dậy tự thấy mình là văn-sĩ bình-dân. Rồi họ viết
những tác-phẩm tả những nỗi đau khổ của các người nhà quê và thợ
thuyền. Những người đọc chịu suy xét không bao giờ bị mắc lừa. Những
cảnh mà các nhà văn ấy bày ra trước mắt ta không làm cho ta rung động, và
những hành-vi và tâm-lý của các nhân-vật trong truyện, bởi không nhận xét
đúng, nên dễ cho ta nhận thấy rằng những nhân-vật đó không thật. Sự khéo
léo, cái nghệ-thuật vững chắc, có khi làm cho chúng ta phục. Nhưng chỉ có