Đến đây, lại thấy cái cần, đối với các nhà văn, phải biết suy xét tâm-hồn
mình. Qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người.
Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng-thái tâm-lý của mình
một cách sâu-sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng-thái tâm-lý người
ngoài.
Tôi còn nhớ, trong một số báo Nouvelle Revue Indochinoise, bà Christine
Fournier có viết đại ý như thế này: “Các nhà văn Pháp, các nhà văn trong
hoàn-cầu, đã viết về tất cả những vấn-đề mà một nhà văn có thể viết được.
Vậy chúng ta - các văn-sĩ An-nam - còn viết về cái gì nữa? Còn cần viết gì
nữa?”. Bà C. Fournier trả lời: “Các anh còn tâm hồn các anh. Đó là sự
phong phú dồi-dào của các anh, các anh không cần tìm đâu nữa”.
Chúng ta không cần bắt chước ai, (mà công việc bắt chước không phải là
công việc sáng-tác). Chúng ta cứ việc diễn tả cái tâm-hồn An-nam của
chúng ta, những tư-tưởng, những ý-nghĩ mà chúng ta ấp ủ trong thâm-tâm.
Chúng ta chỉ có thể bằng các nhà văn ngoại quốc, khi chúng ta đi sâu vào
tâm-hồn của chúng ta mà thôi.
Tôi đã có dịp được đọc nhiều tác-phẩm chưa xuất-bản của các nhà văn. Tôi
phải buồn rầu khi nhận thấy, trong vài chục văn-phẩm đó, một sự nghèo
nàn không ai ngờ. Các nhà văn đó hình như không biết viết cái gì, nên
chừng ấy nghệ-sĩ chỉ quanh quẩn trong vài cái đầu đề giống nhau. Vẫn biết
cái đề không phải là cái quan-hệ, trái lại nữa, nhưng tôi muốn nói rằng
những tư-tưởng và tâm-lý của các nhà văn trên kia cũng gần giống nhau
trong vài khuôn sáo sẵn. Họ đi nhầm đường. Họ mang trong người một cái
của quý vô-hạn mà cứ đi tìm những đâu đâu tựa như người vác gói bạc trên
vai mà không biết, lại ngửa tay đi ăn xin. Của quý ấy là tâm hồn của họ.
Đáng lẽ đi theo những khuôn sáo sẵn, họ trở về trong lòng suy nghĩ và phân
tách những sự thay đổi của tâm-hồn mình, thì hay biết bao nhiêu.
Do đấy, sự thành-thực mới là cái then chốt của nhà nghệ-sĩ. Muốn viết một
tác-phẩm bất hủ, một tác-phẩm mà giá trị không theo thời, ta phải để hết