nỗi rung động trong tác-phẩm đó. Jacques Chardonne nói có hai hạng tiểu-
thuyết gia. Một hạng chú-ý làm cho người đọc giải trí bằng sự diễn-tả các
phong-tục trong xã-hội, bằng một cốt truyện ly kỳ hay ngoắt ngoéo Một
hạng viết tiểu-thuyết để bày tỏ ý-tưởng, những cảm-động của mình bằng
hành-vi của nhân-vật trong truyện. Hai hạng có những độc giả khác nhau.
Theo ý tôi, một tác-phẩm nào của nhà văn cũng có một chút ít nhà văn
trong ấy; muốn dùng danh-từ gì mặc lòng, tả-chân, khách-quan, hay chủ-
quan, cái bản-ngã của tác giả cũng lộ ra trong những câu văn tác-giả viết.
Ta thấy rõ cái địa-vị quan-trọng của tâm hồn tác-giả. Bởi vì tài-năng không
phải ở cách xếp đặt các câu văn, xếp đặt cốt truyện cho có mạch-lạc; cái
thực tài của nhà văn nguồn-gốc ở chính tâm-hồn nhà văn; một nghệ-sĩ phải
có một tâm-hồn phong-phú những tình-cảm dồi dào. Nếu không, nghệ-sĩ đó
chỉ là thợ văn khéo mà thôi.
Chịu theo tâm-hồn mình lại còn bao-hàm cả cái can-đảm mình dám là
mình. Mấy người có cái can-đảm ấy. Tuy nghệ-sĩ đã phải là một người khác
thường, không chịu bắt chước ai, không chịu ép mình vào khuôn-sáo nào.
Ngày xưa mình bắt chước văn Tầu, bây giờ lại bắt chước văn Tây. Ta thấy
nhiều nhà văn cóp cả một quyển truyện Pháp làm của mình, hoặc cóp một
vài đoạn cho vào tác-phẩm viết ra. Cũng như khi họ bắt chước cái cốt
truyện và cách diễn-tả của một nhà văn có tiếng. Họ không có cái tự-kiêu
của người độc-lập và tâm hồn thanh-cao. Những văn-phẩm của họ chỉ là
những công-trình vô giá-trị.