THEO GIÒNG - Trang 20

*

**

Theo quan niệm trên kia, chúng ta thấy rằng những tiểu-thuyết luận đề mà
trong đó tác-giả cố ý bắt buộc các việc xảy ra và tâm-lý các nhân-vật phải
theo ý-định của mình, những tiểu-thuyết đó đều ít giá-trị, bởi không thật.
Tác-giả phải lấy một bài học ở các việc trong đời chứ không được bắt buộc
cuộc đời phải theo luận đề mình định tỏ bày. Sự theo phục cuộc đời đó
không bắt buộc tác-giả phải ca tụng cái xấu, bởi vì trong người ta, cái xấu
và cái tốt lẫn lộn, mà cái thiên chức của nhà văn, cũng như những chức vụ
cao quý khác, là phải nâng đỡ những cái tốt, để trong đời có nhiều công
bằng, nhiều thương yêu hơn.

Nhưng muốn bày tỏ gì mặc lòng, nhà nghệ-sĩ trước hết phải làm thật đã. Sự
thật bao giờ cũng giản dị và sâu sắc (giản dị đây có nghĩa là không huynh
hoang); những hành vi có vẻ tuồng của các nhân vật trong phần nhiều các
tiểu thuyết của ta tỏ ra rằng nhà văn ta hãy còn bị những cái trống rỗng và
hào nhoáng làm loé mắt. Một vai chính sẽ tự cho là xấu hổ, nếu không làm
những việc cao thượng - cái cao thượng sáo - quá người thường nếu không
đa sầu đa cảm hơn người thường, như khóc con mối chết hay đi chôn cánh
hoa rơi. (Anh chàng Giả-Bảo-Ngọc trong. “Hồng-lâu-Mộng” của Từ Trẩm-
Á). Chúng ta còn chưa biết phân biệt sự giản-dị đẹp đẽ với sự huynh hoang
loè loẹt, chưa biết phân biệt cái tình cảm thật với “cái đa cảm vẩn vơ”.

Bỏ hết những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối
đẹp đẽ, đi tìm cái giản dị, cái sâu sắc và cái thật, bằng cách quan sát và
rung động đúng, đó là công việc các nghệ-sĩ phải làm. Chúng ta cứ là
chúng ta, với cái tâm hồn và bản ngã thật của chúng ta.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.