thuyết phiêu-lưu hay trinh-thám đến thay vào, làm nẩy nở trong người đọc
lòng ham thích du-lịch và sự thực. (Cái bí mật của trinh-thám tiểu-thuyết
bao giờ cũng dựa vào khoa-học hay vào những lý luận chắc chắn). Những
tiểu thuyết du ký sẽ khiến người đọc ước mong những cảnh trời xa lạ bên
ngoài.
Bây giờ tôi mới nói đến hạng độc giả thứ hai, thật đáng tiếc lại rất hiếm.
Hạng này là những người không lười trí, họ ưa suy nghĩ, tư-tưởng và tìm
tòi. Họ thờ phụng và theo đuổi cái đẹp, cái hoàn toàn. Họ biết thưởng thức
một câu văn hay, một ý tưởng sâu sắc, và cảm thấy một cái thú vô song khi
sắp bước vào tâm-hồn của một nhân-vật nào.
Những người này không bao giờ cần biết cốt truyện “về sau ra làm sao”.
Tiểu-thuyết có cốt truyện ly-kỳ và rắc rối chỉ khiến họ bực mình vì không
được biết rõ tâm-hồn các nhân vật.
Họ cũng đọc tiểu-thuyết để giải-trí, nhưng cách giải-trí thanh-nhã và cao
quý đem đến cho họ những điều lợi ích và tâm hồn họ trở nên dồi dào. Họ
coi đọc sách là cái thú thần tiên nhất và có lẽ những cái đẹp đẽ và sâu sắc
nhất của họ là nhờ ở tiểu-thuyết mà có. Những tiểu-thuyết bắt buộc họ phải
suy nghĩ là những tiểu-thuyết họ ham thích. Đọc sách đối với họ là một
cách luyện mình để cho tâm-hồn phong phú hơn lên.
Bởi thế họ không cần chú ý đến cách xếp đặt và bố trí câu truyện trong
tiểu-thuyết. Họ cần gì vai chính này về sau có lấy hay không lấy cô thiếu-
nữ sinh đẹp kia? Họ cốt chú ý đến cách diễn tả tâm lý của tác-giả, có đúng
hay không đúng, hời hợt hay sâu sắc. Vì vậy họ rưng rưng với cái tốt, xấu
của người trong truyện: cái tâm lý của một bậc thánh hiền.
Hạng độc-giả này là mực thước đo trình độ văn-chương. Họ có nhiều tức là
văn-chương phong-phú và giá-trị. Họ là tri-kỷ thân yêu của các nhà văn
chân chính và khiến những tác phẩm xuất sắc không phải mai một trong
quên lãng.