Những điều ước muốn nhỏ mọn ấy, ở các nước khác mà văn-chương rất
phong phú, như Pháp, Anh, hay Mỹ, rất dễ dàng được thực hiện. Mà được
thế, nhà nghệ-sĩ không cần phải nhờ đến lòng thương, hay cảm tình của
mọi người, dù thế nào, cũng vẫn đưa lại, chút e thẹn và ngượng-ngùng mà
tâm-hồn kiêu-hãnh của nghệ-sĩ không đành chịu nhận. Chỉ một quyển sách
xuất-bản - ở người có thực tài cũng như người không có tài lắm - là đủ đem
đến cho tác-giả một món tiền có thể sống dễ chịu được vài năm.
Đối với một nhà văn nổi tiếng, một tiểu thuyết thường thường xuất-bản tới
mười vạn hay hai mươi vạn bản, không kể những cuộc bán chạy bất
thường. Số độc-giả ở các nước đó rất nhiều, và họ coi sự mua sách đọc là
một công việc rất cần cho cuộc đời của họ; đọc sách là một cách giải-trí và
tim thú tinh-thần mà họ không thiếu được. Người ta có thể nói chính họ đã
xây dựng nền văn-chương của nước họ, và đã khiến có thể nảy nở mỗi ngày
một nhiều những tài-năng mới.
Trở lại nước nhà, những con số không khỏi đối với chúng ta thành ra giễu
cợt, Phong-trào báo-chí và sách vở mới bồng-bột mạnh mẽ từ quãng 1933
trở về đây. Số người đọc vẫn còn rất ít, đối với một nước hơn hai mươi
triệu người. Hay là số độc-giả chân-chính thật ít, tôi muốn nói hạng người
đọc chịu bỏ tiền ra mua, (vì rằng số người đọc mượn và thuê nhiều lắm).
Một cuốn sách bình thường chỉ bán trong vòng bốn, năm nghìn bản. Số tiền
lãi của nhà văn được hưởng thật là bé, không đáng kể. Phần nhiều tiền lợi
đều vào tay các nhà in hay nhà xuất-bản khôn-khéo. Tôi không nói nhiều ở
đây về những con số nữa. Chỉ có một điều nhận xét chắc chắn: nhà văn bên
ta không kiếm nổi nuôi mình.
Làm thế nào thay đổi được cái tình thế đó cho tốt đẹp hơn? Chúng ta phải
mong mỏi số người đọc được nhiều lên, và tất nhiên, tác-phẩm sẽ được một
ảnh-hưởng rộng-rãi hơn. Hai cái lợi đều đáng quý cả. Chúng ta còn thiếu
một sự a dua đáng yêu về nghệ-thuật, và đây có lẽ là lúc người ta nên tâng
bốc những kẻ a dua. Kẻ a dua không phải thích mua sách về để đọc, nhưng