không cần đi đâu cả: cuộc đời hàng ngày bao bọc chung quanh cũng đã cho
họ thừa tài liệu. Nhiều tác-phẩm chứng rằng tác-giả biết rất nhiều, nhưng
mà vẫn sống rất ít.
*
**
Ta quen nhìn đồng-hồ đến nỗi tưởng rằng thời gian ở trong ấy. Bao nhiêu
người vì thói quen, vì tập quán, đã lấy cái bề ngoài làm sự thật, cử chỉ làm
tính tình, khuôn sáo làm tâm-lý.
Thật rất khó khăn mà phân-biệt được giả với thật, cái mầu mè với sự rung
động, cái nghề khéo léo với sự sống sâu xa. Có những cách bày đặt đẹp đẽ
đến nỗi người ta bị lóa mắt. Có bao nhiêu tác-phẩm trong đó cảm hứng của
tác-giả thay bằng một vài khuôn sáo hợp thời, tâm-lý nhân-vật thay bằng ý
muốn xinh đẹp, sự thuận tay thay cho nghệ-thuật.
*
**
Nên gọi cái trốn tránh đó là gì? Là cái “sợ sự thật”. Có nhiều nhà văn
không dám nhìn thẳng vào sự thật bao giờ. Trong tác phẩm của họ, những
cảnh tả đều là bịa đặt, không có thật; các nhân-vật đều có những khuôn sáo
tâm-lý sẵn có trong các sách trước. Thành thử ở một tiểu-thuyết An-nam,
chúng ta không thấy đất nước An-nam và cũng không thấy người An-nam.
Có phải làm như thế dễ dàng hơn? Vì không có cái chuẩn đích để so sánh,
họ tưởng giấu được không cho ai biết những điều sai lầm của họ. Họ thỏa ý
trong những con đường người trước đã vạch rồi. Họ có mắt mà không dám
trông, có trí mà không dám xét, dù trước sự thật và cuộc đời. Cả đến tâm-
hồn họ mang trong người, họ cũng tránh không nhìn thấy.
*