họ cho là hay, để làm hẳn của mình. Có nhà văn lấy hẳn một tác-phẩm của
một nhà văn Pháp làm tác-phẩm riêng. Sao họ ít tự kính trọng họ, ít lòng
tự-kiêu chính đáng, để làm được những thủ đoạn như thế? Đấy cũng là một
việc mà duyên do có thể tìm thấy được ở chỗ sai lầm của người mình, cứ
tưởng đọc sách chỉ cốt để lấy những ý nghĩ và tư tưởng của người viết sách.
Đọc sách như thế không có ích lợi gì. Phải đọc thế nào để sách chỉ dạy cho
chúng ta Biết cách suy-nghĩ và nhận xét cuộc đời. Có phải chúng ta cảm
thấy một cái thú vô song, khi nào chúng ta tìm thấy trong tác phẩm nọ, giãi
bày một cách chu đáo và đầy đủ hơn, những tư-tưởng mà chính ta đã nghĩ
ra, đã khiến ta băn khoăn từ trước? Chúng ta lúc bấy giờ cảm thấy hai cái
thú: một thú thấy những ý nghĩ kín đáo nhất của mình được công-nhận bởi
người khác, và một cái thú tìm được ở tác-giả kia một người bạn chân thật,
có nhiều liên lạc với mình.
Đối với nhà văn, sự đọc các tác-phẩm của những nhà văn trước lại còn có
nhiều ích lợi đặc-biệt nữa, miễn là, phải thế, lúc nào mình cũng giữ vững
cái giá-trị độc-lập của mình. Những thiên-tài có giá-trị nhất trong văn
chương chỉ dẫn đường chỉ bảo cho người đọc, như một người từng lịch-
duyệt, chứ không bao giờ như một thầy giáo khắc nghiệt bắt buộc người
đọc phải theo đúng cái khuôn khổ của họ. Về điều này, tôi chỉ cần dẫn ra
đây, một lời nói sác đáng của André Gide: “... hình như nếu tôi không đọc
Dostoĩevsky,hay Nietz-che, hay Freud ... có lẽ tôi cũng nghĩ như thế, và tôi
tìm thấy ở họ một sự khuyến khích hơn là một mầm tư-tưởng, chính thật họ
đã dạy tôi đừng nghi ngờ tôi nữa, đừng sợ những tư-tưởng của tôi ...”.
Nói tóm lại, chúng ta hết sức làm sao lúc nào cũng là một độc-giả hoạt-
động, dùng hết cả tri-thức của mình, chứ không phải chỉ là một người chịu
nhận. Đọc sách đối với chúng ta phải vừa là cái ham thích, vừa là một công
việc ích lợi, một nghệ-thuật mà chúng ta biết thực hành.