Cảm hứng và làm việc
Người ta thường nói đến việc Lý-Thái-Bạch uống một trăm chén rượu, làm
một trăm bài thơ, như một việc lạ lùng và đáng phục. Tôi tưởng đó chỉ là
một câu chuyện huyền, đẹp đẽ và thú vị. Có lẽ trong một lúc cảm hứng đột
ngột, Lý-Bạch đã làm được một, hai bài thơ hoàn toàn, nhưng chắc rằng
những bài thơ khác nhà thi-sĩ ấy đã trau rồi, sửa mất nhiều ngày giờ. Người
sau không muốn nhận cái cảnh nhà thi sĩ đăm đăm cố sức trên mảnh giấy là
thanh nhã, nên muốn tìm một sự dung dị, linh hoạt, thần tiên hơn.
Cái ý muốn một lúc hứng viết xong bài thơ, và ý kiến chỉ thơ làm như thế
mới hay, và người làm mới đáng phục, cái ý đó đã khiến nhiều nhà văn ta
hiểu lầm. Họ sinh ra khinh bỉ sự cố công sự làm việc khó nhọc và cố theo
đuổi cái tài đặt bút viết một lúc hàng trăm bài. Có lẽ, một bài thơ ngắn, dăm
bốn câu, có thể hoàn toàn ngay lúc cao hứng được; nhưng còn nói sao về
một thiên tiểu-thuyết chẳng hạn, mà sự kết cấu phải cần bao nhiêu công
việc và ngày giờ?
Trong lúc này, người ta thấy ra đời nhiều tác-phẩm vội vàng, cẩu thả quá.
Người đọc đã thấy rằng tác-giả đã không chịu cố sức như có thể cố sức
được, đã không chịu gọt rũa và sửa chữa tác-phẩm cho được đẹp đẽ hơn.
Họ đưa ra những tác-phẩm mà họ đã không chịu nghiền ngẫm, mang trong
trí não từ trước, và lúc viết không chịu tìm tòi cách diễn tả đúng nhất ý
tưởng mình. (Tuy thật rằng phần nhiều không có ý tưởng gì, và không như
người giàu ý tưởng chỉ còn tìm cách giãy bày thôi, họ lại tìm cách làm thế
nào để tỏ ra rằng có ý tưởng).
Cái gương của những văn-sĩ phương tây đáng để cho chúng ta soi và bắt
chước. Tất cả các văn-sĩ có thiên tài mà chúng ta quý mến đều đã phải làm
việc ghê gớm, đã trải bao nhiêu đêm trắng để gọt rũa và sửa chữa lại những