vần thơ, những câu văn mà trong lúc hứng họ đã viết ra trên mặt giấy. Tôi
chỉ cần dẫn ra một vài thí dụ.
Flaubert đã viết đi viết lại quyển “Madame Bovary”, Maupassant có khi
viết lại đến năm lần một truyện ngắn. Balzac cũng viết nhiều lần, mà đến
khi sửa bản giáp nhà in, ông còn chữa chi chít đến nỗi có khi bản sau khác
hẳn bản trước. Ấy là Balzac viết vội để chóng có tiền trả nợ đấy.
Chateaubriand chẳng đã viết tất cả mười bảy lần bài tả cảnh “Một đêm ở
Mỹ-Châu” đó ư?
Henri Davernois bao giờ viết cũng có ba màu giấy khác nhau ở trước mặt.
Thế nghĩa ít nhất ông cũng viết lại ba lần bất cứ tác phẩm nào của ông,
không kể nhiều khi viết hơn nữa. Một hôm có người bạn hỏi xin bản thảo
quyển tiểu thuyết ông vừa xuất-bản. Davernois dẫn bạn đến một cái hòm
đựng hơn một trăm hai mươi bảy tập giấy, và bảo: “Đây, bản thảo của tôi”.
Tolstoĩ, nhà văn Nga nổi tiếng khắp hoàn cầu, có khi chữa lại bảy lần bản
thảo của ông... Ta thử tưởng tượng công việc ông đã làm khi chữa quyển
tiểu-thuyết “trường gian đại hải” và bất hủ “Chiến tranh và hòa bình”.
Gogol, một danh-sĩ khác người Nga, sau bảy năm nghiền ngẫm và viết tập
thứ nhì của quyển “Những linh-hồn chết” đã đốt cháy bản thảo trước khi từ
trần. Lòng bất mãn của nghệ sĩ đối với công việc của mình, hay cớ gì khác?
Không ai được biết.
Giờ tôi nói đến Dostoĩevsky, nhà viết tiểu-thuyết, cũng người Nga, có lẽ
nhà viết tiểu-thuyết có giá-trị nhất của thế-kỷ và trên toàn cầu.
Lúc năm mươi tuổi ông ta viết: “Cái tiểu thuyết tôi sắp viết - (ấy là quyển
“Anh em Karamazov”, mà chín năm sau nữa ông mới bắt đầu viết) - đã
làm cho tôi băn-khoăn từ ba năm nay nhưng tôi chưa muốn viết vội vì tôi
muốn viết thong thả, như Tolstoĩ, Tourgueniev, Gontcharow đã viết...”.
Nhưng mặc dầu ông ta đã nói: “Tôi không hiểu sao người ta có thể viết vội
vì tiền được”, cái vấn đề tiền ấy đã can thiệp vào công việc của ông nhiều