Sự sống trong tiểu-thuyết
Ngay đến định-nghĩa hai tiếng “tiểu-thuyết”, mỗi nhà văn, mỗi văn-phái
cũng đã trình-bày những điểm khác nhau rồi, có khi trái ngược nhau nữa.
Thế nào là tiểu-thuyết? Câu giải nghĩa cố nhiên là chịu theo ảnh hưởng và
quan-niệm về tiểu-thuyết giống cuộc đời, nghĩa là giống sự thực; nhiều
người khác lại cho rằng tiểu-thuyết phải tạo ra những cái gì không có thực
(như vậy thì không biết lấy gì làm đích mà bàn luận được). Có văn-phái
cho rằng tiểu-thuyết trước hết phải là một câu chuyện tưởng-tượng có đầu,
có đuôi hẳn hoi (tất nhiên phải có cả khúc giữa). Văn-phái khác lại không
câu nệ trong lề lối như thế; với họ, đã đành tiểu-thuyết là một câu chuyện
tưởng tượng xếp đặt rồi, nhưng cần phải linh-hoạt và phức-tạp như cuộc
đời, như sự sống, mà sự sống thì không có khuôn phép gì nhất định cả.
Tò mò, chúng ta thử xem tự-vị Larousse định-nghĩa tiểu-thuyết như thế
nào? “Một công trình tưởng-tượng, một câu chuyện văn suôi thuật những
việc tưởng-tượng xảy ra, sáng-tác và sắp đặt để người đọc ham thích”.
(Như vậy một tiểu-thuyết mà khiến người đọc chán nản tất không phải là
tiểu-thuyết nữa...). Câu chuyện định-nghĩa ấy có lẽ đúng ở cái mục-đích sơ
nguyên của tiểu-thuyết: giải trí người đọc. Nhưng giải trí cũng có nhiều
cách: khiến vui, khiến cảm-động, khiến nghĩ ngợi cũng là giải trí. Thứ bậc
ở chỗ có khiến được lâu bền rộng rãi và sâu sắc hay không.
Phần nhiều các nhà văn Pháp, Ý, đều theo cái định-nghĩa chặt chẽ trên kia:
tiểu-thuyết là một câu chuyện có đầu, có đuôi hẳn hoi... Về phương diện
này những tác phẩm của Alexandre Dumas, của Pierre Benoit. hay Maurice
Dekobra thật là những tiểu-thuyết. Vừa khiến người đọc ham thích, lại vừa
không thiếu một mảnh đầu đuôi nào. Do cái định nghĩa và cái quan niệm ấy
sẽ khuôn theo cách dàn xếp, bố cục một tiểu-thuyết. Và cũng do đấy mới
nêu nên một đặc-tính của tiểu-thuyết, là sự duy nhất. Người ta phê-bình