những mối tình của ta không khỏi có cái màu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại.”... Các cụ ta
ưa những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt... Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya;
ta nao nao vì tiếng gà lúc đứng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một
điều tội lỗi; ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là
sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muốn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình
gần gụi, cái tình xa xôi... cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu...” Mấy câu nói xô bồ, liều lĩnh mà
tha thiết của Ô. Lưu Trọng Lư ở nhà Học hội Quy Nhơn hồi năm 1934 đã vạch rõ tâm lý của lớp thanh
niên chúng ta.
Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ
là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát
vọng khẩn thiết đến đau đớn. Chính Ô. Lưu Trọng Lư cũng đã viết trong quyển Người sơn nhân hồi
mai 1933: “Người thanh niên Việt Nam ngày nay đương bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình như
người con đi tìm mẹ”.
Đã thế, không thể xem phong trào thơ mới là một chuyện lập dị do một bọn dốt nát bày đặt ra để
kiếm chỗ ngồi trong làng thơ. Nó là kết quả không thể không có của một cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu
từ hồi nước ta sát nhập đế quốc Pháp và, xa hơn nữa, từ hồi Nguyễn - Trịnh phân tranh, lúc người Âu
mới đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng
với hàng hóa phương Tây, cái mầm sau này sẽ nảy thành thơ mới.
*
* *
Nhưng tìm nguồn gốc thơ mới mà chỉ nói xa xôi thế, công việc nhà viết sử cũng khí dễ dàng. Ta hãy
tìm những nguyên nhân gần gụi hơn cùng những triệu chứng của phong trào thơ mới.
Đã lâu, người mình làm thơ hầu hết chỉ làm những bài tám câu, mỗi cầu bảy chữ. Theo Ô. Phan
Khôi
[2]
, lỗi ấy phải quy cho khoa cử. Phép thi ngày xưa bắt học trò vào trường nhì làm một bài thơ
theo thể thất ngôn luật. Thể thất ngôn luật vốn mượn của thi nhân đời Đường, nhưng khi người ta đưa
nó vào khoa cử, nó còn bó buộc gấp mấy luật Đường. Theo luật Đường trong một bài thơ tám câu, bốn
câu giữa gọi là câu tam tứ, câu ngũ lục và muốn nói gì thì nói. Phép khoa cử bắt phải gọi câu tam tứ là
câu thực, nghĩa là phải giải thích đầu đề cho rõ ràng, hai câu ngũ lục là câu luận, nghĩa là phải đem ý
đầu bài mà bàn rộng ra. Thí sinh làm thơ nhất định phải theo quy mô ấy. Không theo, hỏng.
Nhưng chính phủ Bảo hộ lần lượt bỏ chế độ khoa cử, ở Nam Kỳ (1864?), ở Bắc Kỳ (1915), ở Trung
Kỳ (1918). Khoa cử bỏ, thể thất ngôn luật cũng theo đó mà mất địa vị độc tôn. Năm 1917 nó bị Ô.
Phạm Thượng Chi công kích trong một bài bàn về tâm lý lối thơ ấy
[3]
- Ông bảo: “Người ta thường
nói thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thực là muốn
chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy, cho nó hay hơn, trúng vần trúng điệu hơn, nhưng cũng nhân đó mà
làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy”. Tiếp đó ông phê bình bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện
Thanh Quan:
“Rằng hay thì thực là hay.
Nhưng hay quá, khéo quá, phần nhân công nhiều mà vẻ tự nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vậy”.
Thời oanh liệt của thất ngôn luật đã đến lúc tàn.