LỜI CUỐI SÁCH
TỪ SƠN
Cuộc đời của Hoài Thanh từ thuở thiếu thời cho đến lúc trái tim ngừng đập là một chuỗi dài của
những cuộc tìm kiếm đầy thích thú mê say cái hay và vẻ đẹp của văn chương. Như một nhà địa chất
cần mẫn, yêu nghề, Hoài Thanh đã phát hiện được không ít vàng ngọc của thơ ẩn trong lớp bụi thời
gian hoặc trong các mạch chìm nổi của cuộc đời, nhất là trong hiện tại.
Một thời gian dài trước Cách mạng, “thơ mới” là niềm say mê, là nơi trú ngụ bình yên của tâm hồn
Hoài Thanh trước mọi sóng gió của cuộc đời.
“Tôi vốn rất say mê “thơ mới” ngay từ khi “thơ mới” mới ra đời. “Thơ mới” hầu như là cái vui duy
nhất của tôi hồi bấy giờ”.
[145]
Thi nhân Việt Nam
là đứa con tinh thần được ra đời trong sự mê say, trong niềm “vui duy nhất”
của Hoài Thanh, của một người trong cuộc đổi mới thơ ca Việt Nam giai đoạn 1932 - 1941. (Chữ thơ
ca Việt Nam tôi dùng ở đây là thơ ca công khai “hợp pháp” được in trên sách báo thời ấy). Đứa con
này vừa mới ra đời đã được bạn đọc thời bấy giờ đón nhận và bạn đọc các thế hệ sau tìm kiếm. Sách
ra đầu năm 1942 liền được tái bản ngay cuối năm ấy.
[146]
Tác giả Thi nhân Việt Nam đã “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (TNVN - tr. 366). Không chỉ để
hiểu mà còn say theo hồn người. 169 bài thơ của 46 nhà thơ có mặt trong Thi nhân Việt Nam như hòa
với giọng bình của tác gìả để hát lên bài ca sầu não, mộng mơ, vui vội, buồn sầu, đau đớn, ngơ ngác
trước cuộc đời. Bài ca dường như bất tận của những tâm hồn, những con người “đầu thai lầm thế kỷ”
muốn ru hồn mình tới “tận cuối trời Quên”.
Sự mê say “thơ mới”, sức quyến rũ của “thơ mới” lúc bấy giờ quả là lớn. Đối với tác giả Thi nhân
Việt Nam suốt một thời gian dài, cái say “thơ mới” đã thấm vào máu thịt, đã trở thành máu thịt nên
không dễ gì rứt bỏ. Mặc dầu, có khi người say thơ cũng mơ hồ cảm thấy đây là một thứ tình say có
“đáng dấp Liêu Trai”.
“Say thơ cũng như say người. Có khi đúng, có khi sai. Có khi đúng mặt này, sai mặt khác. Nhưng đã
say thì không phải dễ gì mà dứt ra được”. (TTHT - tr.122).
Có lẽ vì thế mà sau sáu năm đi theo Đảng tham gia cách mạng và kháng chiến, năm 1951, Hoài
Thanh mới có được một cái nhìn dứt khoát thể hiện trong chương II “Nhìn lại thơ cũ 1932 - 1945” ở
quyển Nói chuyện thơ kháng chiến. Trong chương ấy, ở trang 12, có đoạn Hoài Thanh viết: “Còn xét
về phương diện khách quan thì ngày trước hay bây giờ những câu thơ buồn nản hay mơ mộng vẩn vơ
cũng đều là đồng minh của giặc. Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc nhược của
con người. Chúng ta không dám làm người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc”.
Cách nhìn nhận ấy có phần thái quá. Song trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, một chút thái quá ấy có
khi lại cần thiết. Kiên quyết phủ định niềm say mê sai lạc trong con người cũ của mình một cách thành
thực bao giờ cũng là điều đáng quý.
Tám năm sau, vào đầu năm 1959, trong bài soạn “Về văn thơ lãng mạn tiểu tư sản 1930 -