Thiền Tông Vĩnh Gia Tập
1
THIỀN TÔNG VĨNH GIA TẬP
TỰA
Nghe rằng : Huệ môn rộng mở lý bặt mối manh sắc
tướng, nẻo giác xa xăm một phen lên rồi thì chôn
lấp danh ngôn biểu hiện.
Buồn thay ! Đấng Năng Nhân thị hiện ứng hóa khắp
nơi, mở diệu điển nơi ba thừa, suốt chân thuyên
trong tám bộ. Sở dĩ phát huy đến chỗ sâu xa treo
cao trí tuệ soi sáng nẻo tối tăm, xiển dương đại đạo,
cỡi sóng Thiền trên sóng dục. Vì vậy, kim quan
trùm ánh sáng, ngọc hào thâu vẻ đẹp, một mình
nêu cao tinh anh Linh Thứu, riêng mang nghiệp
thành lân (ý tán dương đại sư là bậc tôn quý trong
nhà Thiền) chỉ có Đại sư vậy !
Đại sư họ Đới, người ở Vĩnh Gia. Thuở nhỏ, Ngài
chuyên tâm nơi tam tạng, lớn lên lão thông pháp
Đại thừa, ba nghiệp siêng năng riêng hoằng dương
Thiền quán. Cảnh trí đều tịch, định tuệ song dung
khiến cho bụi lặng nơi nẻo tối tăm, sóng dừng nơi
biển diệu. Tâm trong như ngọc, đạo chủng sáng
ngời thất tịnh (Thất tịnh : 1) Giới tịnh. 2) Tâm tịnh. 3)
Kiến tịnh. 4) Độ nghi tịnh. 5) Phân biệt đạo tịnh. 6)
Hạnh đoạn tri kiến tịnh. 7) Niết-bàn tịnh.) chói nhau.
Giới sạch như trăng, hoa từ tỏ rạng tam không
(Tam không là ba môn giải thoát : Không, Vô tướng,
Vô nguyện.) trình chiếu. Lại thêm, chí thanh khiết
như tùng điểm sương, tâm rỗng không như trăng
đáy nước. Áo vải cơm rau quên thân vì đạo, xót
thương hàm thức muốn chúng sanh đều được an
vui. Quán niệm nối nhau tâm không gián đoạn,
trước sau gìn giữ tiết tháo rắn chắc như đá vàng.
Tâm yếu cạn sâu một lý dung thông như kết hoa
không thẹn. Thần trí thấu triệt ngôn biểu, lý mầu
khế hợp hoàn trung. Khiêm hạ mình, đề cao người.
Thuận phàm đồng thánh chẳng khởi diệt định mà
giữ bốn oai nghi. Danh trọng đương thời, hóa đạo
cùng khắp. Người thạc học khắp Tam Ngô [Tam
Ngô là Tô Châu (Đông Ngô), Nhuận Châu (Trung
Ngô), Hồ Châu (Tây Ngô)] đông đúc đến học Thiền,
bậc cao nhân ngoài tám hướng vào nhà lý mau
như gió thổi.
Ngụy Tĩnh tôi hầu hạ dưới chân Ngài, chỉ hận chưa
hết tấm lòng bỗng phải giã từ trở lại kinh kỳ. Từ đó
đến nay u minh xa cách, vĩnh viễn thương tiếc, con
mắt diệu huyền vừa gặp lương y chợt mất kim bài;
biển dục sóng to mà vị Thầy dẫn đường đã mất.
Tác phẩm còn đây mà am thất đã quạnh hiu.
Chao ôi ! Đau đớn buốt cả tâm can. Một vị Thầy
sáng suốt đã mất, bảy chúng biết nương tựa vào
đâu. Lời vàng ngọc của bậc cao đức không còn
được nghe, xa cách càng thêm thê lương sầu thảm.
Lúc Đại sư còn tại thế, những lời dạy được ghi lại
gồm có mười thiên, góp lại thành một quyển. Ước
mong người học được ý quên lời để khế hợp với
đạo của Ngài vậy.
Nay sơ lược ghi lại vài lời, nếu có điều chi lầm lạc
xin bậc minh triết sửa lại dùm cho.
Nhà Đường, Thứ Sử Khánh Châu
NGỤY TĨNH
"
TIỂU DẪN
Quyển này nhan đề Thiền Tông Vĩnh Gia Tập, còn
được gọi là Vĩnh Gia Tập, do Thiền sư Vĩnh Gia
Huyền Giác, đệ tử nối pháp của Lục Tổ Huệ Năng,
trước tác. Nội dung toàn tập được chia làm mười
chương :
Nghi
thức lập chí mộ đạo
Răn ý kiêu sa
Tịnh tu ba nghiệp
Bài
tụng về Xa-ma-tha
Bài
tụng về Tỳ-bà-xá-na
Bài
tụng về Ưu-tất-xoa
Cấp bậc lần lượt của ba thừa
Sự lý không hai
Thư khuyên bạn hữu
Văn phát nguyện
Trong đây, ba chương đầu là phần tự, năm chương
kế là phần chánh tông, hai chương cuối là phần lưu
thông. Tập này trình bày về dụng ý thiền định, lịch
trình tu tâm, còn nhắc nhở người tu thiền phải cẩn
thận giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý cho thanh tịnh.
Tác giả húy là Huyền Giác (665-713), họ Đới,
người đời Đường ở đất Vĩnh Gia (nay là huyện
Vĩnh Gia, tỉnh Triết Giang). Ngài xuất gia từ tấm bé,
tinh thông tam tạng, sở trường về môn Chỉ Quán
Thiên Thai. Về sau, nhân được Thiền sư Tá Khê
Huyền Lãng khích lệ, Ngài cùng với Thiền sư Đông
Dương Huyền Sách đến tham bái Lục Tổ Huệ
Năng, chỉ một đêm Ngài được ấn khả nên người
đời gọi là “Nhất túc giác” (một đêm giác ngộ). Sáng
hôm sau Ngài xuống núi trở về Ôn Giang tuyên
dương ý Tổ, kẻ đến học rất đông đảo, tông phong
hưng thịnh, hiệu là Chân Giác Đại Sư. Ngày 17
tháng 10 năm thứ sáu niên hiệu Tiên Thiên (713
TL), đời Vua Đường Huyền Tôn, Ngài an tọa thị tịch.