“Con chỉ nhớ là ở phía Nam thành, còn cụ thể ở chỗ nào thì không rõ
lắm.” Lạc Văn Giai đáp.
“Chàng làm sao lại quen biết họ?” trong mắt Triệu Hân Di thoáng hiện
lên sắc hoài nghi hỏi.
Lạc Văn Giai vội kể lại mọi chuyện từ khi ngẫu nhiên gặp Tiểu Thúy
đến lúc vẽ chân dung cho Y Hồng và nhận được túi gấm đầy vàng lá kia.
Mẹ gã nghe xong không khỏi giẫm chân thở dài than: “Con ngốc quá! Con
đã bị người ta lập kế hãm hại, còn muốn tìm họ ra làm chứng cho con nữa
sao?”
“Sao lại như thế được?” Lạc Văn Giai thoáng biến sắc, nhưng rồi vẫn
cãi. “Hai vị cô nương đó xem ra không giống người xấu, hơn nữa con chưa
hề quen biết họ, làm sao họ có thể hại con chứ?”
Người mẹ thở ngắn thở dài đáp: “Con ngây thơ làm sao biết lòng người
hiểm ác? Cứ cho là hai cô nương đó với con không thù không oán thì lẽ nào
không được kẻ thù của nhà ta thuê mướn sao? Không tại sao hành tung lại
thần bí như vậy? Mà lại hào phóng đến mức dùng vàng lá để trả công vẽ
tranh cho con?”
Cuối cùng sắc mặt Lạc Văn Gia cũng tái nhợt đi, nghĩ lại toàn bộ các
tình tiết ly kỳ mình đã trải qua ngày hôm trước, thì càng nghĩ càng thấy
giống như một cạm bẫy được sắp xếp tỉ mỉ, nhưng gã vẫn không dám tin
hai cô nương kia có thể là kẻ lừa đảo, lại không ngừng trấn an mẹ: “Không
thể! Nhìn họ thế nào cũng không giống kẻ lừa đảo.”
“Nếu nhìn bề ngoài mà cũng nhận ra được là kẻ lừa đảo thì chúng còn
lừa được ai?” Mẹ gã lắc đầu than thở. “Con trước nay đều đối tốt với người
ta, cũng chưa từng tranh giành với ai, chẳng có cừu gia nào lại tốn nhiều
công sức như vậy để hại con. Chỉ vì con muốn bảo vệ cơ nghiệp của tổ tiên
mà muốn tố cáo tam công tử nhà Nam Cung, sợ rằng đã đắc tội với người
không nên đắc tội rồi. Con trai, lẽ nào con đã quên lời người xưa dạy: kẻ
nghèo không nên đấu với người giàu, người giàu không nên tranh giành với
quan phủ rồi sao? Huống hồ đến cả quan phủ cũng phải nể mặt Nam Cung