vào thở ra và buông bỏ ý niệm về thân mạng, thì cũng tự biết. Thở vào thở
ra mà chưa buông bỏ được ý niệm về thân mạng, thì cũng tự biết.
Người hành giả phải tư duy sâu sắc để thấy rằng hễ cái gì có đó thì ta mới
nắm bắt được, còn cái gì không có thì ta không thể nắm bắt. Lẽ thường là
có sinh ra thì ắt có già và chết, thần thức vì không tiêu diệt nên lại phải thọ
thân. Nếu đạt tới bất sinh thì sẽ không còn già và chết, tư niệm như thế thì
nhất tâm đạt được thiền định.
Người hành giả lấy mắt quán sát sự sống chết ở đời và thấy đó chỉ là sự nối
tiếp của mười hai nhân duyên, tư niệm như thế thì nhất tâm đạt được thiền
định.
Người hành giả sử dụng năm phép để quán chiếu hình thể của mình: một là
quán chiếu sự biến dị của nét mặt mình, hai là quán chiếu sự thay đổi của
khổ và vui, ba là quán chiếu sự chuyển biến của ý muốn, bốn là quán chiếu
sự thay đổi của hình thể, năm là quán chiếu sự biến cải của thiện ác. Sự
biến dị ấy xảy ra cũng như một dòng nước chảy, trước sau nối nhau. Tư
niệm như thế thì nhất tâm đạt được thiền định.
Người hành giả phải tư niệm về thiền thế nào cho đúng? Ví dụ như khi mắt
mình quan sát người chết, từ đầu tới chân, thì tâm mình phải tư niệm cho
sâu sắc, ghi nhận cho chín chắn, và duy trì những hình ảnh ấy trong suốt
thời gian đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước, và làm muôn ngàn
chuyện khác. Duy trì niệm ấy trong tâm để củng cố đạo chí của mình rồi sẽ
có thể nuôi dưỡng đối tượng chánh niệm trong thiền định một cách tự nhiên
dễ dàng. Cũng như một người kia đang vít một đũa cơm trong nồi ra để thử
xem cơm chín hay chưa, người ấy chỉ cần nhặt lấy một hạt cơm lên để quan
sát, nếu một hạt mà chín rồi thì cả nồi cơm cũng đã chín. Một khi đạo chí
đã mạnh thì tâm sẽ đi theo hướng ấy tự nhiên như một dòng nước chảy
xuôi.