Một bà mẹ hiền luôn luôn thương lo và chăm sóc cho em bé, theo dõi em
bé. Khi bé theo bọn trẻ chơi đùa, lấm láp bụi đất, đói khát khóc la, bà mẹ
thương xót bế cõng về nhà, tắm rửa, thay áo và cho bé ăn. Khi bé thân tâm
an vui thì mẹ hiền cũng cảm thấy sung sướng, không bao giờ nỡ bỏ con
một mình. Người hành đạo cũng thế, đem lòng từ bi thương tưởng bảo hộ
cho chúng sanh như bà mẹ hiền, chăm sóc cho người trong thiên hạ và cả
các loài bò bay máy cựa, dạy cho mọi người biết thờ Bụt, đọc kinh, thân
cận các vị sa môn, tiếp nhận giới luật của Bụt để giữ gìn và hành trì, xa lìa
ba điều ác, tâm nhớ ba điều lành, miệng nói điều lành, thân làm điều lành
để không còn phải đi vào các nẻo cùng khổ hiểm nghèo như địa ngục, ngạ
quỷ và súc sinh. Lại dạy cho họ biết dù đang an hưởng phước lộc cao sang,
họ cũng phải tự nhắc nhở rằng phước lộc tuy nhiều nhưng nếu cứ để ác tâm
tăng trưởng thì mai kia họ cũng lại bị đọa xuống tam đồ, do đó vinh lộc
cũng là một thứ tai họa. Người hành đạo chỉ dạy cho họ về tính cách vô
thường, khổ và vô ngã của vạn vật, cảnh giác họ, khuyên họ nên tu tập theo
các giáo lý ấy để đạt tới giải thoát niết bàn, cũng như bà mẹ hiền kia ôm ấp
và hộ trì cho đứa con vậy.
Người hành đạo lại biết thực tập mười sáu phép quán niệm hơi thở để cho
tâm chuyên nhất mà đạt được thiền định. Mười sáu phép ấy là gì? Thở vào
thở ra một hơi dài, biết là thở vào thở ra một hơi dài. Thở vào thở ra một
hơi ngắn, biết là thở vào thở ra một hơi ngắn. Thở vào thở ra và có ý thức
về thân, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và làm an tịnh thân, thì cũng tự
biết. Thở vào thở ra và cảm thấy dễ chịu, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và
cảm thấy không dễ chịu, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà có an chỉ, thì
cũng tự biết. Thở vào thở ra mà không có an chỉ, thì cũng tự biết. Thở vào
thở ra mà có hạnh phúc, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà không có hạnh
phúc, thì cũng tự biết. Thở vào thở ra mà thấy vạn vật vô thường, thì cũng
tự biết. Thở vào thở ra mà thấy vạn vật đi qua không thể nắm bắt được, thì
cũng tự biết. Thở vào thở ra mà thấy trong nội tâm không có vướng mắc,
thì cũng tự biết. Thở vào thở ra và buông bỏ tri giác, thì cũng tự biết. Thở