Tiếp nhận kinh Bụt, học hỏi chiêm nghiệm, vì đại chúng mà giáo huấn và
chỉ dẫn, trong tâm hoan hỷ, nhờ đó bồ tát nhất tâm đạt được thiền định.
Phàm các loài chúng sanh, hễ có thành thì có hoại, mà khi có hoại thì có
thống khổ, tư duy như thế mà phát sinh cảm thương, bồ tát nhất tâm đạt
được thiền định.
Bản chất của loài hữu tình là không tự bảo vệ được tự ngã. Ai cũng phải đi
qua quá trình biến hoại. Người hành đạo biết tự sợ hãi, ý thức rằng khi
mạng chung mình có thể rơi vào đường dữ. Thấy được những tướng phồn
vinh hạnh phúc, thật cũng như giả, đều như giấc mộng, người hành đạo chú
trọng ở sự tỉnh ngộ, do đó nhất tâm đạt được thiền định.
Các thức ăn đi vào đường miệng thấy như có vẻ thơm ngon nhưng sau khi
pha trộn với nước bọt và các chất loãng (trong ruột và dạ dày), sau cùng
cũng biến thành phân tiểu. Ức niệm như thế mà biết nhờm gớm, do đó bồ
tát nhất tâm đạt được thiền định.
Bào thai trong bụng mẹ, ban đầu như cháo loãng đọng lại, sau mới từ từ lớn
lên, từ ba mươi cho tới tám mươi bảy ngày mới hình thành thân thể, giờ
phút lâm sinh là một tai nạn, nguy nhiều an ít; sau khi đã sinh, dù là một
hay mười tuổi, dù là năm mươi hay một trăm tuổi, tất cả đều sẽ phải chết,
không ai tránh được tai họa ấy. Tư duy như thế mà bồ tát nhất tâm đạt được
thiền định.
Quán chiếu thấy được có tồn thì có vong, khi đã chết rồi thì không thể đi
tìm đâu được, ba cõi đều vắng không, thấy thế mà người tu đạo không sinh
lòng tham đắm nhớ tiếc.
Nhớ nghĩ mà xót thương cho chúng sanh, vì không được gặp Phật gặp kinh,
bị tà dục che lấp tâm tư, chẳng biết được lẽ vô thường, người tu đạo phát
lời thệ nguyện tế độ cho họ, do đó nhất tâm đạt được thiền định.