tác và dịch thuật tại đây, nhưng kỳ thực một phần quan trọng của công việc
này đã được ông làm tại Giao Chỉ.
Trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý do ông viết, ta thấy có một chứng cớ tỏ
rằng ông đã viết bài tựa này trước năm 229, nghĩa là hồi ông còn hành đạo
tại Giao Chỉ. Đó là chi tiết về An Thế Cao, người đã dịch kinh An Ban Thủ
Ý: "Có vị bồ tát tên là An Thanh, tự là Thế Cao, con đích của vua nước An
Tức, sau khi nhường ngôi cho chú lánh qua đất này, sau bèn về ở kinh sư..."
Kinh sư ở đây là Lạc Dương; chính ở Lạc Dương mà An Thế Cao đã dịch
nhiều kinh vào hậu bán thế kỷ thứ hai. Nếu bài tựa này viết sau năm 229,
tức là năm Ngô Tôn Quyền xưng đế, thì kinh sư phải là Kiến Nghiệp chứ
không phải Lạc Dương nữa, bởi vì sau ngày Ngô Tôn Quyền xưng đế, nước
ta đã nội thuộc Đông Ngô rồi mà không theo Bắc Ngụy.
Chi tiết quan trọng trên còn cho ta một dữ kiện lịch sử nữa, những cuốn
kinh mà An Thế Cao dịch tại Lạc Dương đã được mang tới và lưu hành tại
Giao Chỉ trong thời gian Tăng Hội hành đạo tại đây. Những kinh này, ví dụ
kinh An Ban Thủ Ý, đã được mang xuống do những người Phật Tử Lạc
Dương đã tới tỵ nạn tại Giao Chỉ. Trong số những người Phật Tử này có cư
sĩ Trần Tuệ, học trò của An Thế Cao, người mà Tăng Hội đã gặp và đã
cùng cọng tác để chú sớ kinh An Ban Thủ Ý. Ta có thể nói rằng chính Trần
Tuệ đã mang kinh này từ Lạc Dương xuống.
An Thế Cao tại Lạc Dương đã dịch một số kinh về thiền như kinh An Ban
Thủ Ý và kinh Ấm Tri Nhập. Những kinh này thuộc về thiền nhưng có
khuynh hướng tiểu thừa. Chính Tăng Hội đã giới thiệu kinh này theo tinh
thần đại thừa. Chính ông đã soạn Lục Độ Tập Kinh và phát huy thiền học
trong tinh thần đại thừa. Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, ông cũng đã
dịch Ngô Phẩm (tức Bát Thiên Tụng Bát Nhã hay Đạo Hành Bát Nhã) là
kinh bản xuất hiện sớm nhất trong số các kinh Bát Nhã. Như thế, Phật Giáo
Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ ba đã hoàn toàn là Phật Giáo đại thừa, có
khuynh hướng thần bí và thiền học. Sự kiện Chi Cương Lương Tiếp dịch